Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Vụ sai phạm tại Sadeco: Tranh luận về vai trò của ông Tất Thành Cang
Việt Dũng - 04/01/2022 18:52
 
Sau khi VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Tất Thành Cang 12-14 năm tù, luật sư Trần Văn Sự (bào chữa cho ông Tất Thành Cang) đề nghị HĐXX tuyên ông Cang không phạm tội.

Chiều 4/1, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) và 18 người liên quan các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).

Bào chữa cho ông Tất Thành Cang trong phiên xét xử chiều nay, luật sư Trần Văn Sự cho rằng, ông Cang không phạm tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Theo luật sư, chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí phải là người được giao quản lý sử dụng tài sản nhà nước. Trong trường hợp này, người được giao quản lý vốn của Đảng bộ Thành phố tại Sadeco là Văn phòng Thành ủy, chứ không phải là ông Tất Thành Cang.

Luật sư Trần Văn Sự bào chữa cho ông Tất Thành Cang tại tòa. (Ảnh: Quang Định)
Luật sư Trần Văn Sự bào chữa cho ông Tất Thành Cang tại tòa. (Ảnh: Quang Định)


Cũng theo luật sư Sự, chủ trương của ông Cang được nêu trong thông báo 495 không liên quan đến quyết định của HĐQT Sadeco trong việc chuyển nhượng cổ phần. Ông Cang cho rằng Thành ủy muốn thoái vốn khỏi các công ty xây dựng và tập trung vào các lĩnh vực nhà hàng khách sạn nên chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược. Thông báo 495 thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Cang dựa trên nội dung tờ trình 1148 được xây dựng trên cơ sở tờ trình 12a.

Tờ trình 12a hoàn toàn không có giá trị, nhưng đã được các bị cáo đại diện vốn góp Văn phòng Thành ủy tại Sadeco gian dối để trình Văn phòng Thành ủy.

Luật sư cho rằng ông Cang không chỉ đạo Sadeco thực hiện đấu giá, thẩm định giá cổ phần Sadeco là đúng. Lý do là ông Cang chỉ có quan hệ pháp lý với Văn phòng Thành ủy có phần vốn góp tại Sadeco, không có quan hệ pháp luật với Sadeco. 

“Thành ủy không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành hoạt động của Sadeco, mà chỉ có quyền góp ý tại đại hội đồng cổ đông Sadeco. Những người đại diện vốn nhà nước tại Sadeco đương nhiên phải tuân thủ quy định pháp luật mà không cần chỉ đạo”, luật sư Trần Văn Sự nêu.

Cũng theo luật sư Trần Văn Sự, HĐQT Sadeco đã có cuộc họp riêng với Nguyễn Kim để bàn bạc về phương án phát hành cổ phần, giá bán…, sau đó ra nhiều nghị quyết để thông qua và phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Do vậy, Viện kiểm sát (VKS) xác định ông Tất Thành Cang có vai trò đầu vụ trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần là chưa thật khách quan.

Theo luật sư, ông Tề trí Dũng khai trước tòa là ông Cang không chỉ đạo, mà chỉ mở lời với ông Dũng tạo điều kiện cho Nguyễn Kim trở thành cổ đông chiến lược. Tại tòa, ông Cang cũng đã phủ nhận điều này.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng vị trí của bị cáo Tất Thành Cang có vai trò quyết định
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng vị trí của bị cáo Tất Thành Cang có vai trò quyết định


Sáng 4/1, luật sư đã liên hệ Ban tổ chức Thành ủy đề nghị cung cấp tài liệu về việc Thành ủy cử ông Cang đi học tập vào tháng 11/2016. Luật sư đã nộp tài liệu này cho HĐXX. Đồng thời, luật sư cũng nêu thêm nhiều tình tiết về nhân thân của ông Cang, như có vợ là chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM... Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tuyên ông Cang không phạm tội.

Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng vị trí của bị cáo Tất Thành Cang có vai trò quyết định. Cụ thể, VKS nhận định, khi tăng vốn điều lệ và chuyển nhượng cổ phần tại Sadeco thì phải thực hiện đấu giá theo khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ. 

Thế nhưng, căn cứ đề nghị của Công ty Nguyễn Kim về việc mua cổ phần của Sadeco để trở thành cổ đông chiến lược, các bị cáo tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Sadeco, và người đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy tại Sadeco đã thực hiện các thủ tục thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco với giá 40.000 đồng/cổ phần, cho Công ty Nguyễn Kim không thẩm định giá và đấu giá, gây thiệt hại cho Sadeco hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo Tề Trí Dũng và đồng phạm liên quan còn gây thiệt hại cho Sadeco 3,6 tỷ đồng, khi chỉ đạo cấp dưới chi tiền của Công ty Sadeco cho nhiều cá nhân không thuộc diện đi du lịch nước ngoài, nhưng vẫn đi dưới danh nghĩa “tham quan, khảo sát, học tập” trái quy định; và “tham ô tài sản” hơn 4,6 tỷ đồng, khi có hành vi gian dối chiếm hưởng nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn Văn phòng Thành ủy, IPC không chuyên trách.

Theo VKS, sau khi bị cáo Tất Thành Cang ký bút phê "đồng ý" vào tờ trình 1148 chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000/cổ phần cho cổ đông chiến lược, thì Văn phòng Thành ủy đã ban hành thông báo 495 cụ thể hóa tờ trình 1148 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực. Từ đó, việc chuyển nhượng cho Sadeco được hoàn thành.

“Từ đó cho thấy vị trí, vai trò của bị cáo Tất Thành Cang mang tính chất quyết định. Cáo trạng truy tố bị cáo với vai trò đầu vụ là có căn cứ, đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật", VKS đánh giá và nêu quá trình tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang quanh co, chối tội nên cần có mức án nghiêm khắc.

Chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu Sadeco: Các bị cáo khai “không nhận được lợi ích gì”
Ông Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng đều cho rằng mình không nhận được lợi ích gì từ việc việc phát hành, chuyển nhượng 9 triệu cổ phiếu Công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư