Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Vượt dịch bệnh, kinh tế trụ vững
Hà Nguyễn - 02/06/2021 09:58
 
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 có vẻ chưa ảnh hưởng quá nhiều tới tình hình kinh tế tháng 5/2021. Nỗi lo dường như đang nằm ở tháng 6.
Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn đang trụ vững. Trong ảnh: Nhà máy JAT chuyên sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng xe tại Bắc Ninh

Kinh tế vẫn trụ vững trong tháng 5

Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn đang trụ vững, bất chấp đợt dịch Covid-19 thứ 4 còn hoành hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Dễ thấy nhất, đó là sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trên là rất cao so với mức tăng chỉ 1% của cùng kỳ năm 2020 và cũng cao hơn mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng tới 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã bày tỏ sự vui mừng khi tốc độ tăng trưởng IIP toàn ngành và của ngành chế biến, chế tạo nói riêng đã ở mức 2 con số. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, mới có 2 tháng gần đây (tháng 4 và tháng 5), sản xuất công nghiệp đạt được tốc độ tăng trưởng bằng với trước thời điểm Covid-19 xảy ra.

Sản xuất công nghiệp tăng cao đã tạo đà cho xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho biết, 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%.

Như vậy, dù bị ảnh hưởng bởi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn tăng rất cao. Có mức tăng cao này một phần do 5 tháng đầu năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt trên 196 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thực tế là, thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn luôn đạt tăng trưởng tích cực trong bối cảnh Covid-19, là một điểm sáng của nền kinh tế. Con số 26 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong chỉ một tháng đã cho thấy điều đó. Vài ba năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng chỉ đạt 15-16 tỷ USD. Rõ ràng, các doanh nghiệp Việt đã tận dụng được các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại, đồng thời cũng rất dẻo dai, bền bỉ trước tác động tiêu cực của Covid-19.

Ngoài hai chỉ số quan trọng trên, cũng có thể nhắc đến các chỉ số khác để chứng minh nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục trụ vững trong sóng gió Covid-19. Đó là vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong 5 tháng đạt 133.400 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 22,8% và tăng 16,2%). Hay số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước… Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng qua tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%) cũng là dấu hiệu tích cực. Sức mua trong nước đang hồi phục. Sức mua cả thị trường trong nước và nước ngoài cùng tăng sẽ tạo động lực cho sản xuất và xuất khẩu, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Nỗi lo tháng 6

Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô hiện tại cho thấy đợt dịch Covid-19 thứ 4 chưa ảnh hưởng quá nhiều tới nền kinh tế, song nỗi lo vẫn còn đó. Có thể, những tác động mạnh hơn sẽ được ghi nhận trong tháng 6, tháng “chốt sổ” tình hình kinh tế quý II/2021.

Thực tế, đã có nhiều dấu hiệu về sự ảnh hưởng này trong các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021. Chẳng hạn, IIP 5 tháng tăng 9,9%, trong khi con số này của 4 tháng là 10%. Hay kim ngạch xuất khẩu của tháng 5 ước đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, vì Covid-19, cũng đã giảm 1% so với tháng 4.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tiếp tục tăng cao. Con số của 5 tháng đầu năm 2021 là 59.800 doanh nghiệp, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Vì Covid-19, thu ngân sách chỉ trong nửa đầu tháng 5/2021 đã giảm 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, chi lại cao hơn, do tập trung cho phòng chống dịch.

Hiện nay, ngoài Bắc Ninh và Bắc Giang, dịch bệnh cũng đang lây lan trên diện rộng ở TP.HCM. Đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày và đã “lệnh” đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở điện máy, casino trong khách sạn... Cả sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất đều đã tạm dừng nhập cảnh các chuyến bay quốc tế... Điều đó chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới kinh tế - xã hội, trước mắt là trong nửa đầu tháng 6/2021.

Trong khi đó, những khó khăn trong việc đưa các nhà máy trở lại hoạt động bình thường ở Bắc Giang, Bắc Ninh được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tình hình sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu của không chỉ hai tỉnh này. Cuối tuần trước, tỉnh Bắc Giang đã báo cáo Chính phủ rằng, việc địa phương này phải tạm dừng hoạt động 5 khu công nghiệp ước tính làm giảm mỗi ngày trên 2.000 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 140.000 lao động cũng đã phải nghỉ việc.

Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, IIP của Bắc Giang trong tháng 5/2021 đã giảm tới 40,9% so với tháng 4 và giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Nếu hoạt động sản xuất không sớm bình thường trở lại, thì sự suy giảm có thể còn lớn hơn nữa, và như thế kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Nỗi lo tháng 6 rõ ràng còn rất lớn.

Tốc độ tăng/giảm một số chỉ tiêu chủ yếu tháng 5/2021 so cùng kỳ 2020

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11,6%; Khách quốc tế đến Việt Nam -40,6%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng -1%; Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6,9%; Chỉ số giá tiêu dùng 2,9%; Lạm phát cơ bản 1,13%.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Để không xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng, một số doanh nghiệp đã được lên kế hoạch sản xuất trở lại, vừa chống dịch, vừa sản xuất an...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư