Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
WB nêu 3 vấn đề cần giải quyết để "mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam"
Kỳ Thành - 16/01/2020 08:32
 
Nhắc lại nhận định vào tháng 12/2019 “Mây đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lưu ý, “người ta cũng thường nói rằng ‘Bạn nên sửa nhà khi trời tốt’”.
TIN LIÊN QUAN

"Bạn nên sửa nhà khi trời tốt"

Sáng nay (15/1), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề "Kết nối Việt Nam vì thịnh vượng và phát triển chung”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện cho Chính phủ Việt Nam nhận kết quả Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 từ Giám đốc ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione (Ảnh: Minh Trang)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại diện cho Chính phủ Việt Nam nhận kết quả Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 từ Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione (Ảnh: Minh Trang)

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2019 là sản phẩm của các chuyên gia WB trên nền tảng Báo cáo Việt Nam 2035: hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ và Báo cáo phát triển kinh tế thế giới 2020: thương mại để phát triển trong kỷ nguyên của chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2019 được hoàn thành và công bố vào thời điểm hết sức quan trọng, khi Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, các kết quả nghiên cứu của Báo cáo góp thêm nguồn tư liệu nghiên cứu, tham khảo cho Việt Nam trong giai đoạn hoàn thiện Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Đồng thời, gợi mở tư duy kết nối và xây dựng không gian phát triển cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Minh Trang)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Minh Trang)

Báo cáo của WB cho thấy, hiện trạng phát triển không đồng đều của kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước với tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu lớn và mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Dòng chảy giao thương của Việt Nam tập trung tại 1/4 tổng số cửa khẩu quốc tế, bao gồm hai sân bay, năm cảng biển và năm cửa khẩu đường bộ. Các cửa khẩu này xử lý tới 86% giá trị thương mại trong năm 2016. Thương mại phát triển cũng đồng nghĩa với tình trạng tắc nghẽn quanh các cửa khẩu quốc tế và các điểm hải quan qua biên giới.

Hệ thống giao thông nội địa hiện nay phụ thuộc rất lớn vào vận tải đường bộ, chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa. Việt Nam chưa tận dụng được mạng lưới sông ngòi tự nhiên rộng khắp do hệ thống cảng và bến thủy chưa phù hợp để đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn hơn. Việc sử dụng phương thức vận chuyển hàng hóa trong container, cho phép vận chuyển đa phương thức hiệu quả, còn tương đối hạn chế. Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt dài 2.600 km của Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu.

Nhắc lại nhận định của WB trong Báo cáo Điểm lại được phát hành vào tháng 12/2019 “Mây đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam lưu ý, “người ta cũng thường nói rằng ‘Bạn nên sửa nhà khi trời tốt’”.

Để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam cho dù mây đen bao phủ kinh tế toàn cầu, ông Ousmane Dione cho rằng Việt Nam cần giải quyết một số vấn đề chính gồm: (1) Khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông; (2) Hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để các chuỗi giá trị quan trọng hỗ trợ nhau tốt hơn nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; và (3) Cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế.

Giám đốc ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione (Ảnh: Minh Trang)
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione (Ảnh: Minh Trang)

Cần nghiên cứu sâu hơn về kết nối Đông-Tây để phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, du lịch

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nội dung Báo cáo và sự nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, WB và Đại sứ quán Australia. Phó Thủ tướng cho rằng, Báo cáo này có giá trị thực tiễn cho Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam trong xây dựng chính sách và điều hành.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ nhiều vấn đề đáng lưu tâm, cần được các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn. Thứ nhất, chính sách kết nối về đầu tư hạ tầng giao thông hướng mạnh hơn nữa vào phục vụ thương mại.

Theo Phó Thủ tướng, trong các nền kinh tế có quy mô tương đương, thì nền kinh tế Việt Nam có “độ mở” lớn nhất mang lại nhiều giá trị về tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo nhưng cũng có nhiều thách thức trước các động thái cản trở tự do thương mại. Do đó, bên cạnh thương mại quốc tế, Việt Nam cũng cần quan tâm hơn tới đầu tư trong nước và thị trường nội địa.

“Từ năm 2017 tới nay, Việt Nam chỉ mất 2 năm để tăng thêm 100 tỷ USD giá trị xuất nhập khẩu, nhưng quan trọng là giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa trong khối lượng xuất nhập khẩu này. Vì vậy, trước hết chúng ta cần phải định hình chính sách về thương mại, trong đó có thương mại quốc tế và thương mại trong nước, cũng như đầu tư và tiêu dùng trong nước và tích hợp với các chiến lược về kết cấu hạ tầng”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (Ảnh: Minh Trang)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (Ảnh: Minh Trang)

Thứ hai, giao thông vận tải là hạ tầng cứng trong khi chuỗi giá trị vốn đang rất linh hoạt, thay đổi nhanh chóng và khó lường như hiện nay. Một cửa khẩu quốc tế rất quan trọng nhưng có thể chỉ sau một biến cố nào đó sẽ không còn giá trị nữa. “Vậy chúng ta sẽ tích hợp và kết nối hai chiến lược này (chiến lược về hạ tầng và chiến lược về thương mại) như thế nào?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn về kết nối Đông-Tây để có thể phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, du lịch biển theo chiến lược phát triển kinh tế biển và hạ tầng của Việt Nam không bị vô hiệu hóa khi các quốc gia khác đang chú trọng vào việc phát triển và kết nối theo hướng Đông-Tây.

Thứ ba, về khuyến nghị đảm bảo nguồn dữ liệu thông tin cung cấp cho doanh nghiệp phân tích có chất lượng về chính sách đa ngành đối với thương mại, giao thông vận tải và các chuỗi giá trị, Phó Thủ tướng cho rằng là một đề xuất đúng đắn. “Vấn đề làm sao để hài hòa giữa tự do thương mại, minh bạch thông tin, giữa tích hợp thông tin với bảo đảm bí mật kinh doanh cũng như là các bí mật khác trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… chưa được đề cập sâu trong báo cáo, và cần làm rõ hơn”.

Thứ tư, cần xem xét tính chuyên môn hóa của địa phương và hợp tác liên vùng trong chính sách đầu tư vào hạ tầng giao thông. Theo đó, Phó Thủ tướng đặt ra vai trò về thể chế điều phối và chính sách tài khoá để tạo động lực cho liên kết vùng khi những thử nghiệm trước đây đã không thành công.

Toàn cảnh Lễ công bố (Ảnh: Minh Trang)
Toàn cảnh Lễ công bố (Ảnh: Minh Trang)

Thứ năm, Phó Thủ tướng đồng tình với khuyến nghị các khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải hỗ trợ cho sự phát triển chuỗi cung ứng trong nước để hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu tốt hơn. Nhưng Phó Thủ tướng bày tỏ thực tế có các khu công nghiệp chưa lấp đầy và không còn giá trị thu hút đầu tư, trong khi có các quốc gia đề nghị đầu tư khu công nghiệp riêng, từ đó đặt ra vấn đề hiện đại hoá các khu công nghiệp của Việt Nam như thế nào?

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện Báo cáo, tham vấn chính sách cho Chính phủ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư