Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Xả van” áp lực tăng trưởng GDP
Kỳ Thành - 06/07/2017 13:16
 
Có cơ sở để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, khi kinh tế 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 và hiện có nhiều dư địa mới cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.
kinh tế quý II khởi sắc hơn, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đạt mức 5,73%. Trong ảnh: Nhà máy Sản xuất đồ chơi xuất khẩu GTFV. Ảnh: Đức Thanh
Kinh tế quý II khởi sắc hơn, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đạt mức 5,73%. Trong ảnh: Nhà máy Sản xuất đồ chơi xuất khẩu GTFV. Ảnh: Đức Thanh

Chưa vơi nỗi lo mục tiêu 6,7%

Mặc dù nêu bật các chỉ số cơ bản của “sức khỏe” nền kinh tế là tốt sau nửa chặng đường năm 2017, nhưng giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm vẫn là vấn đề “nóng” được Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đưa ra thảo luận, phân tích tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tuần này.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát bình quân 6 tháng qua ở mức thấp, chỉ tăng 1,52% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng phục hồi mạnh trong quý II, giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017, trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng phải đạt 7,42%.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là mức cao và không dễ dàng đạt được. “Ta không nên hài lòng, chủ quan, mà cần duy trì sự cố gắng thường xuyên trong 6 tháng cuối năm, nếu không thực hiện đồng bộ thì rất khó đạt được mục tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư cơ bản 6 tháng đầu năm đạt chưa tới 30%, nên ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Mặc dù năm nay được giao vốn từ rất sớm, nhưng việc triển khai thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương vẫn chậm. Nhiệm vụ này là rất quan trọng và cần sớm được đẩy nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích, nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực, với mức tăng 2,65%, nhưng tính trên nền 6 tháng đầu năm 2016 đạt âm. Cùng với đó, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp rất khó khăn, chi phí đầu vào cao, năng suất thấp, bảo hộ của các nước đang gia tăng. Bên cạnh đó, tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn cùng kỳ, trong đó, khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%.

Tập trung vào những dư địa mới

“Trong mức tăng trưởng 5,73% của 6 tháng đầu năm, chúng ta chưa có biện pháp nào để tăng khai thác dầu khí cả. Dầu khí vẫn giữ con số cũ, chưa có tăng thêm”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

Mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có được là do sức sống, sự chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế, chứ chưa hề có giải pháp nào nhằm đẩy mạnh khai khoáng.

Cũng theo Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có được là do sức sống, sự chuyển động mạnh mẽ của nền kinh tế, chứ chưa hề có giải pháp nào nhằm đẩy mạnh khai khoáng.

Trong phần kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng với giải quyết khó khăn như nợ công, nợ xấu, 12 dự án thua lỗ, “cần suy nghĩ làm gì mới cho đất nước, cho quê hương, chứ không chỉ chống đỡ, khắc phục những tồn tại, bất cập”.

Với tinh thần này, Thủ tướng khẳng định, có nhiều dư địa mới cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, không dồn cho các đại gia, mà tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, bởi nếu tăng được hiệu quả sử dụng 1% nguồn vốn thì sẽ đem lại mức tăng đáng kể cho GDP.

Ước tính, giá trị tài sản khu vực nhà nước hiện hơn 300 tỷ USD, trong đó, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước là trên 200 tỷ USD. Theo tính toán, nếu tăng được 1% hiệu quả sử dụng, thì có thêm khoảng 3 tỷ USD, tương đương 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.

Cùng với đó, tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khoảng 400 tỷ USD, trong đó, tài sản cố định của doanh nghiệp tư nhân trên 180 tỷ USD. “Nếu tăng được 1 điểm phần trăm hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp tư nhân thì sẽ có thêm 2 tỷ USD, tương đương 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP”, Thủ tướng nêu rõ.

Đề cập mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Đây là mục tiêu cao, nhưng chúng ta có cơ sở, căn cứ để đạt được, bởi các ngành, các lĩnh vực chủ yếu có thể nói là đang phục hồi mạnh. Xu hướng quốc tế, trong nước đều thuận lợi”. Theo Thủ tướng, vấn đề đặt ra là phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất - kinh doanh, các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 khoảng 6,4-6,8%
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 5/7/2017 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư