Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Xây dựng khung trình độ APEC thúc đẩy di chuyển lao động
Kỳ Thành - 06/09/2014 19:30
 
() Chiều ngày 6/9, Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức bế mạc.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phát triển nguồn nhân lực APEC đồng đều và bền vững
209 lao động tại Libya đã an toàn về Việt Nam
Chủ tịch nước gặp lãnh đạo các nền kinh tế APEC

Chủ trì cuộc họp báo sau Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, do tính chất quan trọng hướng tới Tuyên bố chung của Lãnh đạo APEC và Mục tiêu Bogor năm 2013 đồng thời tiếp nối những gì đã đề ra tại các hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực APEC trước đó, Hội nghị lần này đã thu hút được gần 200 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Ban Thư ký APEC, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, các tổ chức quan sát viên của PEC và một số tổ chức khách mời khác như ASEAN, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các cơ quan, bộ ngành của Việt Nam.

Hội nghị đã tập trung vào chủ đề chính là “Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực”, thông qua 3 chủ đề nhỏ là Hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bền vững nhằm giải quyết các khía cạnh của quá trình toàn cầu hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng; Thúc đẩy chuyển dịch lao động và phát triển kỹ năng.

Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và có bài phát biểu ý nghĩa, nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lực con người đối mặt với phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng sâu rộng. Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị cũng như các chủ đề mà Hội nghị hướng tới.

  Xây dựng khung trình độ APEC thúc đẩy di chuyển lao động  
  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chủ trì buổi Họp báo cùng đại diện các thành viên APEC sau Hội nghị. Ảnh: Kỳ Thành  

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực, thẳng thắn trình bày quan điểm và trao đổi về các chủ đề. Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí mặc dù có nhiều khác biệt về trình độ, các nền kinh tế APEC đều cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với những thế mạnh riêng để có thể vừa cạnh tranh, vừa hợp tác hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, từ đó có vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều vấn đề lao động, việc làm có tính khu vực, thế giới cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên để giải quyết. Đây là cơ sở rất quan trọng để APEC tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng và động lực phát triển toàn cầu, từ đó đem lại lợi ích cho các thành viên trong và ngoài APEC, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Sau khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh công bố các thông tin và kết quả của Hội nghị, các câu hỏi của phóng viên đã được gửi tới cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại buổi Họp báo.

Theo đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết các nền kinh tế APEC xác định cần xây dựng kế hoạch hành động tập trung vào 4 điểm, đó là:

Thứ nhất, nâng cao hợp tác về pháp lý, bao gồm xây dựng các thỏa thuận khu vực và pháp lý quốc gia về kết nối con người với con người, có các chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết các chuỗi sản xuất khu vực nhằm tận dụng các lợi thế so sánh để thúc đẩy nhu cầu lao động có chất lượng cho kết nối.

Thứ hai, đầu tư nhiều hơn vào hệ thống giáo dục và tạo lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến chuỗi cung ứng. Thứ ba, nâng cao hiệu quả của chính sách thị trường lao động. Thứ tư, thúc đẩy dịch chuyển lao động hiệu quả.

Đối với mục tiêu thúc đẩy di chuyển lao động giữa các nền kinh tế trong APEC, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng APEC cần thực hiện một số hoạt động ưu tiên, bao gồm:

Một là, trong khu vực APEC cần có sự chia sẻ điển hình tốt trong việc giám sát định lượng về những thiếu hụt kỹ năng, đánh giá nhu cầu đào tạo; xác định những chiến lược để xây dựng kế hoạch việc làm cũng như chiến lược phối hợp cung ứng dịch vụ đào tạo và tái đào tạo cho tương lai;

Hai là, phải xác định những ngành nghề ưu tiên mà hầu hết các nền kinh tế đang thiếu hoặc có nhu cầu lao động có kỹ năng theo mỗi bậc trình độ;

Ba là, cần tiến hành hài hòa hóa các tiêu chuẩn nghề, xây dựng và hoàn thiện khung trình độ/kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng Khung tham chiếu trình độ APEC.

Nhấn mạnh an sinh xã hội là nhân tố quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bền vững, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết định hướng của các nền kinh tế APEC là phát triển một hệ thống an sinh xã hội toàn diện với các chương trình an sinh xã hội đa tầng có khả năng hỗ trợ lẫn nhau và đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, tạo điều kiện và có cơ chế thuận lợi cho khu vực ngoài nhà nước tham gia đảm bảo quyền được an sinh của người dân, góp phần quan trọng vào phát triển con người, ổn định chính trị và tăng trưởng bao trùm; là nền tảng cho việc giảm thiểu và ngăn chặn đói nghèo cũng như góp phần khắc phục tình trạng bất bình đẳng.

Cần có quan điểm thống nhất và rộng mở về khu vực phi kết cấu; thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội thân thiện và phù hợp với đặc điểm của người lao động khu vực phi kết cấu, kết hợp với sự hỗ trợ tài chính của nhà nước cho đối tượng tham gia, sẽ thúc đẩy khả năng mở rộng độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội. “Thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân là một phần không thể thiếu của phát triển nguồn lực con người đối với các nền kinh tế thành viên APEC”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 đã ra Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động cho giai đoạn 2015 - 2018 gồm 24 điều, trong đó nhấn mạnh 4 vấn đề chính là Hỗ trợ tăng trưởng toàn diện và bền vững nhằm giải quyết các hệ quả xã hội của toàn cầu hóa, bao gồm cả vấn đề bình đẳng và nhu cầu của các nhóm yếu thế như thanh niên và người tàn tật; Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng; Tạo điều kiện dịch chuyển lao động và phát triển kỹ năng; Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế. Các nền kinh tế APEC sẽ dựa vào đây để triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Vui mừng thông báo kết quả tốt đẹp của Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, “Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với APEC, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Phát triển nguồn nhân lực APEC đồng đều và bền vững Phát triển nguồn nhân lực APEC đồng đều và bền vững

Sáng 6/9, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực APEC lần thứ 6 đã diễn ra với chủ đề "Tăng cường chất lượng việc làm và kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực".

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư