Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI đảng XIII
Xây dựng nhà nước pháp quyền: Vấn đề mới và khó, cần giải pháp hữu hiệu hơn
Việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trong thực tiễn có những nội dung cần phân tích cụ thể hơn, trong đó có việc chỉ ra những bất cập trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN gắn với tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tự do, công bằng là điều hết sức quan trọng để đưa đất nước phát triển phồn thịnh. Ảnh: Đức Thanh
Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN gắn với tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tự do, công bằng là điều hết sức quan trọng để đưa đất nước phát triển phồn thịnh. Ảnh: Đức Thanh

Không né tránh tồn tại

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII nhận định: “Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; tổ chức bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế…”.

Nhận định trên mang tính khái quát, không sai, nhưng quá trình thể chế hóa quan điểm đường lối, chính sách của Đảng trong thực tiễn có những nội dung cần được phân tích cụ thể hơn, nhất là phải tìm ra những nội dung bất cập trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN để đề ra giải pháp thiết thực, hữu hiệu hơn.

Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN là một nội dung quan trọng trong quá trình Đổi mới. Vấn đề này được đặt ra trong Cương lĩnh chính trị của Đảng ngày càng rõ hơn. Từ Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh sửa đổi năm 2011 đến nay trải qua 30 năm do tình hình trong ngoài nước biến đổi mau lẹ, Cương lĩnh đã được bổ sung để việc xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.

Vấn đề cơ bản của nhà nước pháp quyền là quyền lực - cấu trúc và chức năng của hệ thống các thiết chế quyền lực - tính chất quyền lực thuộc về giai cấp nào, cơ chế kiểm soát quyền lực giữa 3 nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp được vận hành theo nguyên tắc nào. Đặc biệt, vấn đề thể chế hóa đường lối, quan điểm Cương lĩnh của Đảng là một chuỗi vấn đề cần nhận thức lại với tinh thần tổng kết trên bình diện lý luận và đối chiếu với thực tiễn.

Từ thực tiễn những năm qua, Đảng ta đã nhận thức được và không né tránh những tồn tại lớn, như trong Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đã nêu: “Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới.

Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt chưa rõ, nên còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời…”.

Không phải ngẫu nhiên, cách đây 4 năm, phát biểu trước Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định điều quan trọng hàng đầu: “Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước... Tập trung vào các lĩnh vực: tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN;... coi trọng hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, tiền tệ, đầu tư, kinh doanh, môi trường, tạo điều kiện quản lý và sử dụng mọi nguồn lực của đất nước một cách có hiệu quả; khắc phục tình trạng thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực này...”.

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm đổi mới, không ít vấn đề về nhà nước pháp quyền XHCN đã bộc lộ những bất cập mà Đại hội XIII của Đảng cần đặt trọng tâm này lên bàn nghị sự. Chẳng hạn, nhận thức còn hạn chế, chưa đầy đủ về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất và cơ chế phân công phối hợp giám sát kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; chưa nhận thức và quy định đầy đủ mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị với các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, tính tối thượng của Hiến pháp.

Còn những hạn chế trong nhận thức về vị trí, vai trò, tính chất và mô hình của chính quyền địa phương... Chưa luận giải thấu đáo và đầy đủ nội dung phương thức và cơ chế lãnh đạo của đảng cầm quyền đối với nhà nước pháp quyền. Nhận thức về kiểm soát quyền lực nhà nước còn những bất cập, nhận thức chưa đầy đủ và rõ về vai trò và cơ chế kiểm tra giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, vẫn còn chậm thể chế hóa đầy đủ các nguyên tắc quyền lực nhà nước, chậm thể chế hóa trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Ba nguyên nhân cần làm rõ

Thực trạng nêu trên về những yếu kém, tồn tại trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng là đặt đúng tầm của quá trình phát triển, bởi “việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện chuyển đổi kinh tế là nhiệm vụ mới mẻ, hiểu biết của chúng ta còn ít, có nhiều việc phải làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Thực tế cho thấy, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN có mặt chưa được phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời những quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân...

Ngoài ra, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt chưa rõ, nên còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ…

Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện chuyển đổi kinh tế là nhiệm vụ mới mẻ, hiểu biết của chúng ta còn ít, có nhiều việc phải làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm.

Từ góc nhìn của triết lý phát triển, chúng tôi cho rằng, cần tìm ra những nguyên nhân của vấn đề. Thứ nhất, việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm; có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng.

Thứ hai, việc xây dựng nhà nước pháp quyền là vấn đề mới và khó, nên chúng ta chưa nghiên cứu về mặt lý luận một cách toàn diện, bài bản.

Thứ ba, nhận thức về sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền trong mối quan hệ với nhà nước pháp quyền, với các tổ chức xã hội còn lúng túng, nên hạn chế việc phát huy vai trò của nhà nước pháp quyền và của nhân dân.

Cho đến nay, đã hơn 7 năm, nhưng một số nội dung về quyền con người vẫn dừng lại ở tầm Hiến định, chưa được cụ thể hóa theo Hiến pháp năm 2013. Đáng lưu ý, nhận thức về quyền con người chưa được rõ ràng, trong quá trình tập hợp, xin ý kiến rộng rãi góp ý vào Dự thảo Hiến pháp 2013, có người cho rằng, quyền con người và quyền công dân là đồng nhất. Trong khi đó, một số quyền của con người như tự do cư trú di chuyển, học hành... tuy đã khẳng định trong Hiến pháp, nhưng thực tế còn không ít rào cản do chuyện quản lý cư dân theo sổ hộ khẩu và thủ tục nhập khẩu còn phức tạp.

Đất nước đã trải qua gần 35 đổi mới, 45 năm thống nhất, 75 năm thành lập nước, 90 năm thành lâp Đảng… Đất nước đã khởi sắc, thoát đói nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người từ dưới 500 USD, nay đạt khoảng 2.700 USD. Chúng ta đứng trước cơ hội và thách thức lớn từ hội nhập sâu rộng quốc tế với hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Do vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN gắn chặt với hoàn thiện thể chế, xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh tự do, công bằng là điều hết sức quan trọng, nhằm tận dụng tốt các cơ hội và đương đầu với thách thức từ hội nhập và toàn cầu hóa.

Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào sự thật, nói rõ sự thật, lắng nghe, đối thoại, giải trình, chọn lọc các ý kiến khác biệt, không quy chụp vội vã, xử lý tình huống có nhân văn, văn hóa, Đảng sẽ ngày càng được nhân dân ủng hộ, củng cố lòng tin trong dân. Đây cũng là bí quyết thành công của các cuộc cách mạng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước là cải cách thể chế
Cải cách thể chế sẽ là điều kiện tiên quyết thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Quan điểm đã rõ, nhưng điều này đòi hỏi cải cách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư