Chủ Nhật, Ngày 25 tháng 05 năm 2025,
Xây dựng tiêu chuẩn tín chỉ carbon của Việt Nam
D.Ngân - 25/05/2025 08:42
 
Hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước.

Đây được xem là một công cụ kinh tế quan trọng nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, để thị trường này vận hành hiệu quả, việc chuẩn hóa nguồn cung tín chỉ carbon là bước đi then chốt, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, kỹ thuật và nguồn lực.

Theo lộ trình, từ tháng 6/2025, Việt Nam sẽ bắt đầu giai đoạn thí điểm thị trường carbon kéo dài đến năm 2028. Trong giai đoạn này, tín chỉ carbon sẽ đóng vai trò là loại hàng hóa chủ đạo, được giao dịch trên nền tảng sàn giao dịch do nhà nước quản lý.

Hiện Việt Nam chấp thuận ba loại tín chỉ carbon được lưu hành gồm: tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo tiêu chuẩn của Việt Nam; tín chỉ theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris do Liên hợp quốc điều phối; và tín chỉ từ các cơ chế hợp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Cơ chế Phát triển sạch (CDM) và Cơ chế Tín chỉ chung Việt Nam - Nhật Bản (JCM).

Trong đó, các cơ chế CDM và JCM từng được triển khai nhiều năm tại Việt Nam sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển nguồn cung trong giai đoạn đầu của thị trường.

Song song với việc hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng bộ tiêu chuẩn tín chỉ carbon riêng của Việt Nam.

Đây là cơ sở để các chương trình, dự án giảm phát thải có thể đăng ký, được thẩm định và cấp tín chỉ theo chuẩn quốc gia. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã đưa ra toàn bộ quy trình tạo tín chỉ, từ việc đề xuất phương pháp luận, xây dựng dự án, đăng ký, đến đề xuất cấp tín chỉ.

Theo cơ chế này, các bộ chuyên ngành sẽ là đơn vị phê duyệt và cấp tín chỉ cho các dự án trong lĩnh vực quản lý của mình, đảm bảo tính chuyên môn và sát thực tế.

Thực tế, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc triển khai các dự án tạo tín chỉ carbon theo chuẩn quốc tế. Tính đến tháng 3/2025, cả nước đã có 274 dự án được đăng ký theo cơ chế CDM, 45 dự án theo tiêu chuẩn VCS và 58 dự án theo tiêu chuẩn GS, bên cạnh một số dự án khác.

Một số chương trình tiêu biểu như ERPA tại vùng Bắc Trung Bộ hay LEAF tại Tây Nguyên - Nam Trung Bộ đang trong quá trình triển khai hoặc đàm phán với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, phần lớn tín chỉ từ các chương trình này vẫn được tính vào mục tiêu quốc gia, chưa thực sự tham gia thị trường tự do, do đó tính thương mại hóa còn hạn chế.

Một trong những thách thức lớn hiện nay là tính phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao của quá trình phát triển dự án tín chỉ carbon. Theo chia sẻ từ đại diện Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngành Lâm nghiệp mất hơn 10 năm chuẩn bị cho dự án ERPA, từ việc triển khai các biện pháp giảm phát thải cho đến hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật.

Doanh nghiệp tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn, như trường hợp của Công ty CP Thành Thành Công, Biên Hòa khi phát triển dự án theo Tiêu chuẩn Verra, mất gần ba năm để có thể phát hành tín chỉ đầu tiên.

Nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất trọng điểm như lúa gạo, thực phẩm, chăn nuôi và quản lý chất thải bày tỏ mong muốn tham gia thị trường, nhưng đều gặp trở ngại lớn về nhân lực có chuyên môn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc tham gia thị trường carbon không chỉ là yêu cầu về trách nhiệm môi trường mà còn là điều kiện để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt là khi Liên minh châu Âu đang triển khai Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) áp dụng cho các mặt hàng phát thải cao như thép, xi măng và điện.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Nghị định 06 đề xuất tăng tỷ lệ tín chỉ carbon được phép bù trừ cho hạn ngạch phát thải, khuyến khích các dự án giảm phát thải từ bảo vệ và phát triển rừng, tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.

Cũng theo dự thảo Nghị định, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để giám sát, cấp phép và giao dịch hai loại tài sản này trên thị trường.

Phó Thủ tướng chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh tính kỹ thuật cao và nhiều biến động của chính sách thị trường carbon, đồng thời đề nghị phải tạo cơ chế linh hoạt để doanh nghiệp có thể thí điểm, từ đó cơ quan quản lý hoàn thiện dần quy định pháp lý.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung quy định về phân cấp trong xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo tính công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế về dữ liệu phát thải và tín chỉ carbon.

Về bản chất, tín chỉ carbon là một loại tài sản được giao dịch trên thị trường, đại diện cho quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc khí nhà kính tương đương. Trên thị trường quốc tế, tín chỉ theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris có giá trị cao nhất, trong khi các tín chỉ tự nguyện có mức giá dao động từ 0,25 đến 30 USD/tín chỉ, tùy theo tiêu chuẩn và lợi ích môi trường đi kèm.

Một số loại tín chỉ quý hiếm như tín chỉ về bảo tồn biển, đa dạng sinh học có thể đạt mức giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc lạm dụng tín chỉ để bù trừ hạn ngạch có thể làm chậm quá trình giảm phát thải thực tế của doanh nghiệp và quốc gia.

Trong dài hạn, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Không chỉ giúp đạt được các mục tiêu giảm phát thải trong nước, thị trường này còn tạo động lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch và thu hút nguồn vốn quốc tế.

Thị trường tín chỉ carbon cũng sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết tại COP26, góp phần nâng cao uy tín quốc tế và năng lực cạnh tranh thương mại của nền kinh tế.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển quốc tế. Trong đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng là những nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư