Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xe tải nội bắt đầu sợ xe nhập khẩu
Thanh Hương - 13/03/2015 09:40
 
Doanh nghiệp (DN) lắp ráp xe tải trong nước đang e ngại về việc không thể cạnh tranh được với xe tải được nhập khẩu nguyên chiếc, nhất là từ Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Mercedes Benz Việt Nam quay sang kinh doanh xe tải
SYM ra mắt dòng xe tải nhẹ 2.0T
Doanh nghiệp ôtô mất ăn mất ngủ vì kiểm định chuyên ngành
Phát hiện thêm hàng trăm xe tải tự đổ diện hoàn thuế

Hiệp hội Các DN cơ khí Việt Nam (VAMI) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc (CBU) với thuế áp dụng với xe lắp ráp trong nước bằng linh kiện nhập khẩu (CKD) sao cho phù hợp để không thất thu thuế, đồng thời, để thực hiện nghiêm Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035.

Vì mục tiêu lợi nhuận, các doanh nghiệp lắp ráp sẽ chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc

Đề nghị này được đưa ra sau khi các thành viên VAMI nghiên cứu thuế nhập khẩu xe tải CBU theo các biểu thuế hiện hành, trong đó có một số chủng loại được áp dụng mức thuế suất mới theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại Thông tư 166/2014/TT-BTC để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc từ năm 2015, so với thuế nhập khẩu linh kiện để lắp ráp.

VAMI nhận xét, khi nhập khẩu linh kiện CKD để sản xuất, lắp ráp ô tô, ngoài thuế nhập khẩu, các DN trong nước còn phải chịu nhiều loại chi phí như đầu tư dây chuyền sản xuất, lắp ráp; quản lý, đào tạo người lao động trong dây chuyền lắp ráp. Đặc biệt, lần đầu tiên, các DN đã thừa nhận, giá nhập khẩu bộ linh kiện CKD cao hơn so với khi nhập khẩu xe tải dạng CBU do điều kiện khắt khe của nhà cung cấp nước ngoài. Mặt khác, các linh kiện được nội địa hoá có chi phí cao, do số lượng xe tải được các DN nội địa lắp ráp không nhiều.

Theo VAMI, các chi phí nêu trên cộng với thuế nhập khẩu linh kiện CKD dẫn tới chi phí sản xuất từng chủng loại xe tải lắp ráp trong nước sẽ tăng 24% so với xe tải nhập khẩu CBU. Nếu nhập khẩu xe tải CBU nguyên chiếc, sau khi nộp thuế nhập khẩu cộng thêm một số chi phí khác không đáng kể là các DN thương mại đã có thể mang xe ra thị trường bán.

Qua so sánh thuế nhập khẩu xe CBU với chi phí xe lắp ráp trong nước từ linh kiện nhập khẩu có thể thấy, sự chênh lệch dao động lớn, có xu hướng giảm dần, tạo ra khoảng cách lớn về giá của xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe sản xuất lắp ráp trong nưỡc với linh kiện nhập khẩu.

Theo biểu thuế tại Thông tư 166/2014/TT-BTC, thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc đối với một số loại xe thấp hơn nhiều so với thuế nhập linh kiện CKD, dẫn tới cạnh tranh không công bằng giữa DN làm thương mại thuần tuý với DN có đầu tư dây chuyền để lắp ráp xe tải từ linh kiện CKD.

“Như vậy, vì mục tiêu lợi nhuận, các DN sẽ chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo và lắp ráp xe tải sẽ càng yếu thế, đồng thời, ngân sách cũng giảm tiền thu thuế”, ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch VAMI nhận xét.

Do có tỷ lệ nội địa hoá cao, nên hiện xe tải vẫn được coi là một thành công của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe tải nhẹ tại Công ty Ô tô Trường Hải đạt khoảng 30%, còn tại Công ty Ô tô Xuân Kiên đạt khoảng 50%.

Phân khúc xe tải và xe khách sản xuất trong nước còn được Bộ Công thương đánh giá là có tiềm năng phát triển do các loại xe này có kích thước tương đối lớn khiến chi phí vận chuyển lớn và dung lượng thị trường không quá lớn, nên giá linh kiện và phụ tùng không giảm nhiều do quy mô sản xuất.n

 Tuy nhiên, với biểu thuế nhập khẩu xe tải CBU từ Trung Quốc hiện hành, thị phần của các doanh nghiệp lắp ráp xe tải cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư