Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Xử lý nghiêm nếu cố tình “né” thông tin cho báo chí
Phan Long - 18/05/2013 11:25
 
“Trường hợp nào cố tình “né”, kéo dài thời gian hoặc từ chối cung cấp thông tin, phóng viên cứ thông báo trực tiếp về Bộ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) khẳng định.
TIN LIÊN QUAN

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin – Truyền thông) đã khẳng định điều này tại cuộc họp báo về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí vừa được Thủ tướng ban hành ngày 4/5/2013. Theo ông Lượng, Quy chế này có một số điểm mới so với Quy chế phát ngôn ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Quy chế mới quy định có một số điểm mới như: mỗi cơ quan hành chính nhà nước có ba người có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, bao gồm: Người đứng đầu cơ quan, người phát ngôn (NPN) thường xuyên và người được ủy quyền phát ngôn (khi NPN thường xuyên đi vắng hoặc được ủy quyền trong các trường hợp cần thiết).

Điểm mới thứ hai, là thời gian bắt buộc cung cấp thông tin, họp báo định kỳ cho báo chí được rút ngắn. Đối với các vấn đề nóng, đột xuất, NPN có trách nhiệm thông tin ban đầu trong không quá 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.

Quy chế mới cũng quy định cho phép cá nhân thuộc cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng chỉ mang tính chất cá nhân chứ không được nhân dân cơ quan, đồng thời phải chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TTTT

Trả lời câu hỏi của báo chí về trường hợp, nếu một cá nhân cung cấp tài liệu của cơ quan nhà nước (không phải là tài liệu mật), khi báo chí sử dụng tài liệu đó vào bài viết, có thể là tài liệu chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, có cần phải cung cấp nguồn tin hay không, ông Lượng khẳng định, báo chí có quyền giữ kín nguồn tin theo Luật Báo chí.

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Công an cũng đưa ra đề xuất sửa đổi Điều 7 của Luật Báo chí, yêu cầu báo chí có nghĩa vụ cung cấp nguồn tin cho cơ quan công an.

Điều này khiến nhiều cơ quan báo chí lo ngại có thể làm lộ nguồn tin, không đảm bảo an toàn cho nguồn tin, trong các trường hợp thông tin liên quan đến phòng chống tham nhũng, tội phạm…

“Đây chỉ là đề xuất của một Bộ, trong khi Luật Báo chí vẫn đang có hiệu lực. Quốc hội cũng chưa có kế hoạch sửa đổi luật nên cứ chiểu theo luật mà làm, báo chí có quyền giữ kín nguồn cung cấp thông tin cho mình, nhưng nếu thông tin sai, phóng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Lượng khẳng định lại.

“Một vấn đề được báo chí cực kỳ quan tâm là việc xử lý nếu NPN không cung cấp thông tin kịp thời hay cố tình né tránh báo chí cũng được quy chế mới quy đinh rõ ràng”, ông Lượng cho biết. Theo đó, nếu NPN hoặc người được ủy quyền phát ngôn vi phạm, tùy tính chất mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính…

Dù Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng đã khẳng định, đại diện các cơ quan báo chí vẫn tỏ ra nghi ngờ về tính thực tiễn của quy định này khi cho rằng, thực tế việc xử lý đối với những hành vi cố tình né tránh, che giấu, hay cản trở tiếp cận thông tin của phóng viên đã được đề cập trong Luật Báo chí, nhưng từ trước đến nay gần như chưa có ai bị xử lý.

Hơn nữa, quy chế mới cũng không quy định mang tính định lượng cụ thể bao nhiêu lần vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Trong khi đó, khi thực tế tác nghiệp, phóng viên thường rất khó tiếp cận với người phát ngôn, nhất là khi hỏi về những vấn đề nóng, nhạy cảm.

Một cách để né báo chí mà nhiều cơ quan hay sử dụng đó là yêu cầu báo chí làm công văn rồi mới trả lời. Nhưng khi nhận được công văn lại không có hồi âm, hoặc rất lâu mới có hồi âm khi sự kiện thời sự cần thông tin đã “nguội lạnh”.

Về vấn đề này, ông Lượng khẳng định: “Trường hợp nào vi phạm, phóng viên cứ thông báo trực tiếp cho Bộ Thông tin – Truyền thông, chúng tôi sẽ xem xét mức độ vi phạm và xử lý nghiêm khắc”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư