Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xử lý rác thải nhựa cần sự hợp tác công - tư
Thành Vân - 06/06/2019 11:56
 
Để có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa được hiệu quả và triệt để, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư.

Theo một nghiên cứu tại Mỹ thì Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xả rác nhiều nhất ra đại dương. Ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam mỗi năm với mức tiêu thụ nhựa tăng 16-18% mỗi năm. Tuy nhiên, để có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa được hiệu quả và triệt để, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư.

Giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, cần sự hợp tác công tư
Giải quyết vấn nạn rác thải nhựa, cần sự hợp tác công tư

Ông Nguyễn Thành Phương, Phó Cục trưởng, Cục bảo vệ môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường chia sẻ, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Vấn đề quản lý và xử lý chất thải nhựa tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, công nghệ xử lý tái chế lạc hậu, việc thu gom, phân loại rác cũng còn nhiều vấn đề.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, gắn liền phát triển kinh tế - xã hội với công tác bảo vệ môi trường. Thiết lập cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường; khuyến khích các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo…

Đối với khu vực tư, nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là trong các chuỗi bán lẻ đã có sáng kiến sử dụng ống hút gạo hay ống hút tre thay cho ống hút nhựa, gói rau bằng lá chuối…Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã xuất hiện nhà sản xuất các sản phẩm túi phân hủy làm từ tinh bột đầu tiên bởi tập đoàn An Phát Holdings - với các sản phẩm như túi vi sinh, dao thìa dĩa ống hút vi sinh, găng tay vi sinh, cốc giấy vi sinh… để thay thế cho các sản phẩm nhựa thông thường.

“Đây là những tín hiệu rất đáng hoan nghênh và nhân rộng. Tuy nhiên, để có thể giải quyết vấn đề rác thải nhựa được hiệu quả và triệt để, cần có sự chung tay giữa khu vực công và tư, nhằm đưa ra những giải pháp và khung chương trình đồng bộ, mang tầm quốc gia,” ông chia sẻ.

Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham, rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Vào năm ngoái, EuroCham đã khởi tạo chương trình Sáng kiến Bền vững kêu gọi tất cả thành viên của EuroCham áp dụng những hành động đơn giản để giảm những tác động tiêu cực đến môi trường đến từ cơ sở kinh doanh. Tuy được đón nhận bởi cộng đồng doanh nghiệp song dự án chỉ đem lại một tác động đơn lẻ.

“Để xử lý vấn đề rác thải nhựa một cách toàn diện đòi hỏi nỗ lực chung đến từ nhiều phía: từ Chính phủ và các doanh nghiệp đến hộ gia đình và cộng đồng. Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đáng hoan nghênh nhằm giải quyết vấn đề này, song song đó là người tiêu dùng nội địa và quốc tế đang dần đòi hỏi các doanh nghiệp hướng đến mô hình kinh hoanh bền vững hơn”, ông Nicolas nói.

Những sáng kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành công nghiệp bao bì sẽ tạo ra những ảnh hưởng đột phá cho công cuộc quản lý rác thải nhựa. BASF- một doanh nghiệp châu Âu rất tâm huyết với phát triển nền kinh tế tuần hoàn và các giải pháp bền vững.

Theo ông Tanachart Ralsiripong, Tổng giám đốc Công ty TNHH BASF Việt Nam, nhựa được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như bảo quản thực phẩm an toàn trong suốt quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng như cách thức quản lý, phân loại, xử lý rác thải nhựa đã tạo ra nhiều thách thức. Đây là vấn đề chung của toàn xã hội và đòi hỏi các giải pháp mang tính hệ thống.

“Tại BASF, chúng tôi tạo mối quan hệ gắn kết vì một tương lai bền vững. Chúng tôi muốn thể hiện vai trò trách nhiệm của một nhà sản xuất nguyên liệu hàng đầu, chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước và đối tác trong suốt chuỗi giá trị ngành nhựa nhằm giải quyết thách thức này; đồng thời hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Tanachart nói.

Tập đoàn An Phát Holdings đã tiếp cận với sản phẩm nhựa Ecovio, sản phẩm nhựa sinh học thân thiện môi trường của BASF từ nhiều năm qua.  Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ chính phủ Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nhựa thân thiện với môi trường. Tuy nhiên việc xử lý dứt điểm nhựa rác thải có nhiều nguyên nhân. Nhiều sản phẩm trên thị trường gắn mác sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường nhưng thực chất không phải. Do đó, An Phát đã tiếp cận với các siêu thị như Lotte, Aeon và Vinmart để giới thiệu sản phẩm làm từ nhựa sinh học thân thiện môi trường và nỗ lực truyền thông đến người tiêu dùng. 

BASF tăng trưởng bền vững cùng Việt Nam
Ông Tanachart Ralsiripong, Tổng giám đốc Công ty TNHH BASF Việt Nam - nhà cung cấp các sản phẩm đa dạng và giải pháp tiên tiến cho nhiều ngành công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư