Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Xử lý trách nhiệm để xảy ra sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm" trong xây dựng luật
Nguyễn Lê - 02/06/2023 08:31
 
Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Với 446/465 phiếu thuận (18 vị không tán thành, 1 người không biểu quyết), sáng 2/6, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Báo cáo trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung, thể hiện trong Nghị quyết quan điểm xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật nhưng có sơ hở dẫn đến sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, cản trở sự phát triển của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, phù hợp với chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đó, xin tiếp thu, bổ sung yêu cầu này tại dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đang chỉ đạo xây dựng Đề án Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật để trình Bộ Chính trị.

Dự thảo Đề án đã được gửi lấy ý kiến tham gia của các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong thời gian tới, Đảng đoàn Quốc hội sẽ tiếp tục gửi dự thảo Đề án đã được tiếp thu, chỉnh lý để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất mong nhận được ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh Đề án quan trọng này, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay.

Phần tổ chức thực hiện, dự thảo nghị quyết nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Việc soạn thảo bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.

Về dự kiến chương trình, có ý kiến đề nghị cần làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những điểm mới của 3 dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị trước mắt chỉ nên thí điểm tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng và hồ sơ đầy đủ của 3 dự án Luật, báo cáo thẩm tra và ý kiến của các cơ quan cho thấy, Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, sự cần thiết ban hành, những nội dung  lớn của các dự án Luật.

Hồ sơ đề nghị xây dựng 3 luật đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không đề xuất thành lập lực lượng mới mà chỉ tổ chức lại các lực lượng hiện có nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, do đó không cần thiết phải thực hiện thí điểm.

Sau khi được Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình, Chính phủ sẽ trình các dự án luật và báo cáo cụ thể với Quốc hội về nội dung từng dự án để xem xét, cho ý kiến. Trong quá trình thảo luận, cơ quan trình sẽ báo cáo, giải trình, tiếp thu làm rõ những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng các dự án luật.

Tại Nghị quyết, Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tổng số 7 dự án luật, trong đó có Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Trong đó, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024) ngoài thông qua 9 luật được cho ý kiến từ cuối năm 2023, Quốc hội sẽ cho ý kiến 9 dự án luật, trong đó có Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…

Tại Kỳ họp thứ tám, trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật là Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi). Có 9 dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, cho ý kiến đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về những nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với cơ quan được giao chủ trì soạn thảo để bảo đảm chất lượng, tiến độ và coi đây là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ngăn lợi ích nhóm trong lựa chọn sách giáo khoa
Gần đây cử tri, dư luận đã nêu những hiện tượng bất thường trong việc thực hiện Thông tư số 25/2020/TT - BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư