Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 12 tháng 02 năm 2025,
Xuất bản điện tử sẽ bùng nổ
Tú Ân - 12/02/2025 13:57
 
Xuất bản điện tử tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024 và sẽ bùng nổ trong năm 2025 nhờ các ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain…
Với sự tiện lợi, sách nói đang là kênh thông tin được rất nhiều người đón nhận

Điểm sáng xuất bản, phát hành điện tử

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước hiện có 54% nhà xuất bản có xuất bản phẩm điện tử, với 5 nền tảng xuất bản dùng chung, trong đó có một nền tảng do nhà nước đầu tư, 4 nền tảng xã hội hóa.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, dấu ấn nổi bật nhất của ngành trong năm 2024 là quá trình chuyển đổi số có bước tiến sâu sắc. Hơn 50% nhà xuất bản đã tham gia lĩnh vực xuất bản điện tử, với sự gia tăng đáng kể về số lượng sách điện tử, sách nói và đặc biệt là các loại sách tương tác đa phương tiện. Đây là một bước chuyển mạnh mẽ, giúp ngành xuất bản hiện đại hóa và mở ra nhiều cơ hội tiếp cận đối tượng độc giả trẻ.

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, ngành xuất bản vẫn đối mặt với không ít hạn chế. Một trong những vấn đề nổi cộm là bài toán kinh tế xuất bản. Hiện tại, nhiều nhà xuất bản chưa đạt được sự tinh gọn và hiện đại hóa cần thiết để phát triển bền vững. Việc cải thiện chất lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất - kinh doanh là một thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực mạnh mẽ hơn từ các đơn vị.

Ngoài ra, vấn đề sách lậu tiếp tục là một trở ngại nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ dừng lại ở sách giáo khoa, mà còn lan rộng sang nhiều loại sách khác. Thông qua các nền tảng thương mại điện tử, những kẻ phát tán sách lậu có thể tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng. Trong đó, sách nói (audiobook) và sách điện tử (ebook) cũng dễ dàng bị sao chép qua các trang web, ứng dụng di động, các nền tảng trực tuyến. Nhiều nội dung sách được mua bán, trao đổi, chia sẻ mà không có sự cho phép của tác giả hoặc nhà xuất bản.

Chuyển mình mạnh mẽ bằng công nghệ

Trong năm 2025, ngành xuất bản đặt mục tiêu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và đề xuất những giải pháp hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất bản. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, tăng cường phối hợp chống in lậu và xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng.

Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng số lượng đơn vị xuất bản, phát hành tham gia xuất bản điện tử đạt 50-60%; hoàn thiện các nền tảng xuất bản điện tử dùng chung; xây dựng cơ sở dữ liệu của lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, đảm bảo tính khả thi, thuận lợi sử dụng với quy trình, cách thức khai thác dữ liệu. Đây là cơ sở để vừa thực hiện chuyển đổi số, vừa quản lý các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trên nền tảng số.

“Ngành xuất bản là ngành kinh tế tri thức trong cách mạng công nghiệp 4.0. Sự sáng tạo trong môi trường số là chìa khóa để ngành xuất bản vượt qua thách thức và tạo dựng cơ hội mới. Các nhà xuất bản cần đổi mới công nghệ và quản trị để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao”, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Theo các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách, năm 2025 sẽ tiếp tục làn sóng chuyển đổi số trong ngành xuất bản, với sự dẫn dắt của các ứng dụng công nghệ mới như blockchain, AI… Các ấn phẩm xuất bản điện tử như ebook, audiobook, sách đa phương tiện… sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

Nhận xét về xu hướng này, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông nhận xét, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử.

Hầu hết nhà xuất bản, công ty sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng được mở rộng, vượt ra ngoài các kênh phát hành truyền thống, với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Các kênh phát hành này tương thích và phù hợp với mọi chủng loại thiết bị, kích thước màn hình, nền tảng công nghệ thiết kế các thiết bị và phần mềm điều khiển thiết bị đó.

Đánh giá tác động của công nghệ đến ngành xuất bản năm 2025, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập NXB Kim Đồng cho rằng, AI đang tác động mạnh mẽ tới nhiều khía cạnh đời sống. Là một phần của công nghiệp nội dung, ngành xuất bản cần nắm chìa khóa này để mở ra cánh cửa chuyển đổi.

“AI là xu hướng, một vấn đề cấp thiết, cần xem xét ở 2 mặt: vấn đề về sở hữu trí tuệ và tác động của nó trong việc phát triển lĩnh vực xuất bản”, bà Liên chia sẻ.

Tương tự, GS-TS. Trần Đình Thắng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp TP.HCM nhìn nhận, sự phát triển của khoa học, công nghệ tác động sâu sắc đến hoạt động xuất bản. Ấn phẩm điện tử góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, thu hút một bộ phận lớn thanh thiếu niên do có nhiều tính năng hấp dẫn như âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao, đảm bảo tiện lợi, chi phí thấp, phù hợp thời đại.

Ông Thắng kiến nghị sớm có chủ trương xây dựng đề án hạ tầng sách điện tử dùng chung cho ngành, hướng đến chiến lược phát triển bền vững ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, năm 2024, doanh thu của lĩnh vực in đạt 90.160 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023; nộp ngân sách nhà nước đạt 3.334 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2023. Lĩnh vực xuất bản đạt doanh thu 4.200 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2023. Số đầu xuất bản phẩm in đạt 41.000 xuất bản phẩm, giảm 2,97% so với năm 2023.

Điểm sáng xuất hiện ở số đầu xuất bản phẩm điện tử, với 4.050 xuất bản phẩm, tăng 20,75% so với năm 2023. Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 54,4%, tăng 29,1 điểm phần trăm so với năm 2023.

Trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, toàn ngành đạt doanh thu khoảng 4.800 tỷ đồng, tăng 2,78% so với năm 2023. Quy mô doanh thu thị trường sách nói đạt hơn 92 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2023; đạt trên 2.184 cuốn sách, tăng 8,61% so với năm 2023. Số lượt nghe sách nói trong năm 2024 đạt 27.578.367 triệu lượt, tăng 19,7% so với năm 2023.
Trông chờ vào xuất bản điện tử
Xuất bản điện tử sẽ là “miền đất mới”, là lối thoát cho ngành xuất bản trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư