Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu 2017 “công phá” thị trường nào?
Thế Hải - 10/02/2017 08:40
 
Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ tiếp tục là trụ cột quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017.

Đóng góp to lớn của hoạt động xúc tiến thương mại

“Dù có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiếp xúc khách hàng của doanh nghiệp vẫn được tổ chức liên tục, không ngắt quãng, với trọng tâm lớn là thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và các đối tác mới, với sản phẩm chất lượng cao”, ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May Đức Giang cho biết.

2016 được xem là năm trầm lắng với xuất khẩu dệt may, khi tăng trưởng chỉ ở mức 5%. Tuy nhiên, với May Đức Giang, kết quả tăng trưởng vẫn đạt 2 con số, với tổng doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2015; xuất khẩu đạt gần 105 triệu USD, tăng 13,2%...

.
.

Ông Lâm cho rằng, kết quả tăng trưởng xuất khẩu kể trên có sự đóng góp đáng kể từ công tác xúc tiến xuất khẩu, tìm kiếm bạn hàng mà doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai từ sớm.

Với tổng kinh phí chi cho xúc tiến thương mại là 90 tỷ đồng trong năm 2016, đã có hơn 6.500 lượt doanh nghiệp nhận được hỗ trợ để tìm kiếm khách hàng và thị trường. Giá trị các hợp đồng xuất khẩu thu về qua các hoạt động xúc tiến thương mại đạt 354 triệu USD.

Đơn cử, tại Triển lãm Xuất khẩu hải sản Bắc Mỹ (Seafood Expo North America 2016) diễn ra tại Boston (Hoa Kỳ) vào tháng 3/2016, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức đưa 15 doanh nghiệp tham dự, giúp các doanh nghiệp ký kết được đơn hàng xuất khẩu trị giá 8 triệu USD.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, tăng trưởng xuất khẩu 8,6% trong năm 2016, với tổng kim ngạch là 175,9 tỷ USD, có sự góp sức quan trọng của các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu.

Trụ cột xuất khẩu vẫn là thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… vẫn là trụ cột quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017, bởi vậy, công tác xúc tiến thương mại sẽ dồn cho khu vực thị trường này.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác thị trường ngay từ đầu năm, Bộ Công thương phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017, với tổng kinh phí là 93 tỷ đồng.

Chương trình bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, khả thi, có kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm, nhằm mở rộng thị trường, mặt hàng xuất khẩu, trong đó chú trọng các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) như Nhật Bản, Hàn Quốc; các thị trường thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA); các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu; các nước thành viên Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), thị trường Hoa Kỳ...

Công tác hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp đưa hàng sang thị trường Hàn Quốc dự báo tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Công ty TNHH K&K Toàn Cầu cho hay, Công ty đang có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản đưa hàng sang Hàn Quốc, trong đó có các mặt hàng như mật ong, trái cây, đặc sản vùng miền…

Tất nhiên, công tác hỗ trợ thị trường, tìm kiếm khách hàng trong năm 2017 sẽ phải đi thực tế và cụ thể hơn nữa vào các thị trường lớn, thay vì để khoảng trống lớn tại thị trường ASEAN như năm 2016. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tăng trưởng xuất khẩu sang ASEAN năm qua giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2015, chỉ đạt 17,4%.

Song hành với nhiệm vụ trọng yếu là bám chặt các thị trường cốt lõi như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Bắc Mỹ…, thì ASEAN đã vào tầm ngắm để các doanh nghiệp “công phá”. Năm 2017 là năm thứ 2, AEC chính thức có hiệu lực. Việc dồn lực vào AEC trong năm nay như một lẽ tất yếu, bởi không thể “bỏ bê” thị trường này lâu hơn nữa.

Các chuyên gia xuất khẩu cho rằng, trong bối cảnh thương mại của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào các đối tác truyền thống, thì việc khai phá thêm thị trường mới sẽ làm bàn đạp cho các doanh nghiệp mở rộng năng lực sản xuất, tăng quy mô xuất khẩu, đảm bảo để xuất khẩu tăng trưởng bền vững.

“Câu lạc bộ” thị trường xuất khẩu tỷ USD sẽ cán mốc 30 thành viên năm 2017?
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2016 đạt 176,63 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Đóng góp vào kết quả chung này có công rất lớn của “Câu lạc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư