Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Xuất khẩu dệt may làm tốt công tác đa dạng hóa thị trường
Thế Hải - 14/12/2020 16:19
 
Giai đoạn 2016 - 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ tăng 30%, vào EU tăng được 25%, vào thị trường các nước CPTPP tăng 53%, Trung Quốc tăng 58,4% và thị trường ASEAN tăng 76%.
Ngành dệt may Việt Nam đã làm tốt công tác đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Ngành dệt may Việt Nam đã làm tốt công tác đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Đánh giá chặng đường phát triển của ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: "Ngành dệt may đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong chặng đường 5 năm qua, với kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD vào cuối năm 2019, theo dự kiến sẽ vượt mốc 40 tỷ USD trong kịch bản không xảy ra dịch Covid-19".

Ngành xuất khẩu lớn thứ hai của nền kinh tế đã làm tốt công tác đa dạng hóa thị trường, duy trì được tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục.

Số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), giai đoạn 2016-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ tăng 30%, vào EU tăng được 25%, vào thị trường các nước CPTPP tăng 53%, Trung Quốc tăng 58,4% và thị trường ASEAN tăng 76%.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%. Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng trưởng: năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới

Điều mấu chốt là thặng dư thương mại của ngành đã có sự cải thiện đáng kể theo từng năm. Nếu 2016, ngành dệt may xuất khẩu tạo ra một giá trị gia tăng 14,4 tỷ USD, đến năm 2019 đã lên tới gần 18 tỷ USD. 

Việc tăng trưởng cao của dệt may trong những năm qua có sự hỗ trợ tích cực từ việc Việt Nam tham gia nhiều FTA với nhiều thị trường nhập khẩu lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), gần đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cho rằng,  ngành dệt may đã rất thành công trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt trong việc phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất năm 2020. Sự thành công này có dấu ấn của Vitas khi đồng hành tích cực cùng DN,  có nhiều kiến nghị gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành báo cáo tác động của dịch bệnh và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về xuất khẩu thời trang, liên kết các doanh nghiệp…

Năm 2020, đặt ra mục tiêu xuất khẩu 40-42 tỷ USD, nhưng ngành dệt may không thể về đích do yếu tố khách quan là dịch bệnh Covid-19, khiến kim ngạch xuất khẩu bị ảnh hưởng, theo ước tính đạt 35,2 tỷ USD. Tuy nhiên, kết quả này đã phản ánh sự thích ứng linh hoạt trong việc phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất và chặn được đà giảm ở mức thấp nhất. 

Năm qua, trước ảnh hưởng quá nặng nề của dịch bệnh, có thời điểm Vitas dự kiến, xuất khẩu chỉ có thể đạt 30 tỷ đến 31 tỷ USD.

Mục tiêu xuất khẩu của ngành đến 2025 sẽ đạt 55 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm chính bao gồm: xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm. Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 11,6%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư