Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu dệt may sang EU: Cảnh báo từ đối thủ
Hải Yến - 04/03/2016 08:37
 
Doanh nghiệp dệt may sẽ phải tận dụng những lợi thế sẵn có trong sản xuất và tiết giảm các khâu trung gian trong kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu rộng lớn của 28 nước thành viên EU khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Tự thay đổi để tận dung cơ hội

Khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu từ 12% sẽ về mức 0%, điều này sẽ tạo ra sức cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh với nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may, các doanh nghiệp đang tự thay đổi để cải thiện chất lượng xuất khẩu, quan trọng hơn, sau khi tự chủ nguyên liệu, nâng cao giá trị gia tăng, mục tiêu được đề ra là, xuất khẩu trực tiếp, để giảm dần các trung gian xuất khẩu.

Vào được thị trường EU,  hàng dệt may Việt Nam đã đạt được những chuẩn mực nhất định, Ảnh: Đức Thanh
Vào được thị trường EU, hàng dệt may Việt Nam đã đạt được những chuẩn mực nhất định, Ảnh: Đức Thanh

Là doanh nghiệp dệt may lớn tại Hưng Yên, với kim ngạch xuất khẩu hơn 400 triệu USD/năm, chủ yếu sang thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc…, một trong những mục tiêu của Tổng công ty CP May Hưng Yên (Hugaco) là chuẩn hóa đội ngũ làm công tác xuất nhập khẩu, để đàm phán trực tiếp với khách hàng, bớt phụ thuộc vào trung gian.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Hugaco cho biết, sản xuất, kinh doanh trong thời hội nhập, mỗi doanh nghiệp phải tự thay đổi mình để tiến gần hơn tới chuẩn làm việc của các đối tác lớn, chuyên nghiệp tại các quốc gia phát triển Mỹ, EU, Nhật Bản…

“Năm 2015, thị trường 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nhập khẩu hơn 4 tỷ USD hàng dệt may từ Việt Nam, Chắc chắn, EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu các mặt hàng sẽ giảm theo lộ trình và sức cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam sẽ được nâng lên một cách rõ ràng theo lộ trình đó”, ông Dương phân tích.

Tuy là thị trường có nhu cầu rất lớn về tiêu dùng hàng dệt may, nhưng EU cũng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, vì thế việc đặt chân được vào thị trường này trong những năm qua đã cho thấy, các mặt hàng dệt may Việt Nam đã đạt được những chuẩn mực nhất định.

Với kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 550 triệu USD, trong đó, cơ cấu xuất khẩu sang EU chiếm tới 45%, EU là thị trường được Tổng công ty CP May Nhà Bè đặc biệt coi trọng từ nhiều năm nay.

Đánh giá cơ hội từ thị trường EU từ các tác động của FTA, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy may Nhà Bè - Hậu Giang với trị giá hơn 300 tỷ đồng đã được doanh nghiệp triển khai đầu tư từ tháng 5/2015 và giai đoạn I với  công suất 15 triệu sản phẩm/năm đã được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Miền Tây Tổng công ty CP May Nhà Bè, Trưởng ban Dự án Nhà Bè - Hậu Giang cho rằng, năng lực sản xuất khoảng 30 triệu sản phẩm/năm, tương ứng doanh thu dự tính 100 - 120 triệu USD/năm trong những năm đầu tiên, sản phẩm Nhà máy May Nhà Bè - Hậu Giang sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường nội EU, tiếp đến là Mỹ.

Lời cảnh báo từ các đối thủ

Thị trường dệt may EU trong 3 năm gần đây có sự phục hồi khá tích cực, tổng nhập khẩu dệt may thị trường EU trong năm 2015 ước đạt  285 tỷ USD, tăng 6 % so với 2014. Dung lượng thị trường lớn, tất nhiên không chỉ mỗi Việt Nam có cơ hội, các quốc gia xuất khẩu khác như Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc… đang cùng chia nhau “miếng bánh” thị trường tiềm năng này.

Bất chấp sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đón lõng thị trường, chuẩn hóa đội ngũ xuất nhập khẩu… thì dệt may Việt Nam tại EU cũng đang bị “người hàng xóm” Campuchia bám đuổi sát sao.

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), năm 2014, tổng nhập khẩu hàng dệt may của EU28 (28 nước thành viên EU) từ Việt Nam là 2,53 tỷ Euro, tăng 21,31%, năm 2015 là 3,13 tỷ Euro, tăng 23,91%. Trong khi đó, tổng nhập khẩu hàng dệt may của EU28 từ Campuchia trong năm 2014  là 2,26 tỷ Euro, tăng trưởng 27,19%, đến 2015 là 2,97 tỷ Euro, tăng trưởng 31,64%.

Nhìn vào số liệu thống kê xuất khẩu, có thể thấy, dù Việt Nam vượt Campuchia về xuất khẩu sang EU, nhưng khoảng cách là không đáng kể.

Vitas khẳng định, trong thời gian tới, không loại trừ khả năng trong ngắn hạn kim ngạch xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU28 sẽ có thời điểm vươn lên xấp xỉ kim ngạch của Việt Nam, song quan điểm của Vitas, về trung hạn, xét tiềm lực của ngành dệt may 2 nước cũng như việc VKFTA  sẽ được ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực, thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU28 chắc chắn sẽ vượt trội so với Campuchia, hướng tới những đối thủ cạnh tranh lớn hơn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Trung Quốc.

Hiệp hội lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may vùng châu Âu - Địa Trung Hải (Cedith) đưa ra nhận định, chiếm thế áp đảo tại thị trường xuất khẩu vào châu Âu sắp tới sẽ là Việt Nam, Campuchia và Myanmar.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công thương), Phó trưởng đoàn đàm phán EVFTA cho biết,  trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam đã chủ động hơn rất nhiều, và bản thân mỗi DN cũng phải chủ động trong việc tiếp cận cũng như lựa chọn đối tác.

“Vấn đề cốt lõi mà doanh nghiệp Việt Nam là tận dụng trình độ tay nghề, tập trung vào những sản phẩm thế mạnh, đầu tư cho khâu thiết kế, công nghệ, gia tăng làm việc trực tiếp với nhà nhập khẩu châu Âu, để thâm nhập được vào thị trường sâu hơn, thu về giá trị gia tăng lớn hơn”, ông Thái khuyến nghị.

Báo Anh: TPP giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may
Giám đốc châu Á của Bộ phận Nghiên cứu Đầu tư trực thuộc tờ Thời báo Tài chính (Financial Times - Anh) David Robinson nhận định Hiệp định Đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư