Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu dệt may “tăng tốc” để cán đích 35 tỷ USD
Thế Hải - 27/07/2018 20:26
 
Các doanh nghiệp dệt may đang tăng tốc để mang về lượng ngoại tệ 18,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2018, với hy vọng cán đích kim ngạch xuất khẩu cả năm ở mức 35 tỷ USD.

Tăng trưởng xuất khẩu dệt may cao nhất trong 5 năm

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa công bố những con số khả quan về tình hình xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Đóng góp lớn vào kết quả trên, không thể không nhắc tới 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Ngoài ra, những mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 700 triệu USD trở lên gồm có: váy, quần áo trẻ em, vải, quần sooc…

.
Dệt may Việt Nam đang là đối tượng lựa chọn đặt hàng của nhiều thị trường nhập khẩu lớn

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas cho biết, tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm 2018 là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây của ngành dệt may Việt Nam, góp phần mang về khoản thặng dư thương mại 7,6 tỷ USD cho ngành dệt may, tăng 13,87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang các nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tốc độ tăng trưởng mạnh, đạt hơn 23% với kim ngạch trên 2,3 tỷ USD, dù Hiệp định CPTPP chưa có hiệu lực. Các thị trường còn lại như Nhật Bản tăng 24,6%; Liên minh châu Âu (EU) tăng 13,2%, Hàn Quốc tăng 28%; Trung Quốc tăng gần 50%.

“Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm, cùng những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa dệt may của Việt Nam cũng như tiến độ nhập khẩu nguyên phụ liệu đang tăng nhanh, dự kiến, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch”, ông Cẩm dự báo.

Đến thời điểm này, ngành dệt may đã có 5 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Mỹ vẫn dẫn đầu trong số các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam lớn nhất, với giá trị đạt 12,8 tỷ USD; thị trường Nhật Bản với 3,2 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt 3,2 tỷ USD…

Theo nhận định của Vitas, nếu giải quyết được những ách tắc về thanh toán trong thương mại hàng hóa với Liên bang Nga, thì đây sẽ là thị trường nhập khẩu trên 1 tỷ USD của ngành dệt may Việt Nam.

Doanh nghiệp tăng tốc

Với quy mô xuất nhập khẩu trên 300 triệu USD/năm, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) là đơn vị có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của ngành dệt may. Năm 2018, Hòa Thọ đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 220 triệu USD, tăng 19 triệu USD so với mức thực hiện của năm 2017.

Theo Vitas, trong 6 tháng đầu năm 2018, mặt hàng may mặc đạt giá trị xuất khẩu 12,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2017; mặt hàng vải đạt 787 triệu USD với mức tăng trên 31,8%. Bên cạnh đó, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao cũng có mức tăng trưởng tốt như xơ sợi tăng 19%; vải địa kỹ thuật tăng 11,8%; phụ liệu dệt may tăng 19,1%.

Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng giám đốc Dệt may Hòa Thọ cho biết, doanh nghiệp đang sản xuất các đơn hàng theo hợp đồng đã ký của những tháng cuối năm 2018 để trả hàng đúng hẹn. “Các hạng mục đầu tư chiều sâu cho máy móc, thiết bị trong thời gian vừa qua của Tổng công ty đã tác động tích cực đến việc cải thiện năng suất, chất lượng, nhờ đó, tình trạng tăng ca của năm 2018 đã giảm hẳn so với năm trước…”, ông Trị cho biết thêm.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, các nhà bán lẻ Mỹ có thể sẽ chuyển sang ký kết các đơn hàng nhập khẩu với các nước có chi phí chế tạo và nhập khẩu tương đối cạnh tranh như Việt Nam.

Thông tin từ Vitas cho hay, nhiều doanh nghiệp quy mô xuất khẩu lớn đều báo cáo đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả năm 2018, như Công ty TNHH Regina Miracle, Công ty TNHH Worldon Việt Nam, Tổng công ty May Nhà Bè - CTCP, Tổng công ty cổ phần Phong Phú…

Nằm trong danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2017, Công ty Scavi Huế (trụ sở tại Thừa Thiên Huế) có quy mô xuất khẩu gần 106 triệu USD trong năm 2017 và dự kiến tăng trưởng hơn 10% trong năm nay.

Ban lãnh đạo Scavi Huế cho biết, với năng lực sản xuất được củng cố, Công ty đang duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ, sản phẩm được các đối tác đánh giá cao và đã ký được nhiều đơn hàng giá trị từ Mỹ, Hàn Quốc, Ai Cập… Hiện, Scavi Huế đã kín đơn hàng sản xuất đến hết năm 2018, trong đó, tỷ lệ đơn hàng FOB (tự mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) chiếm hơn 50%.

“Dệt may Việt Nam đang là đối tượng lựa chọn đặt hàng của các thị trường nhập khẩu lớn. Các nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn của thế giới đều coi Việt Nam là trung tâm cung cấp, đặt Việt Nam trong thứ tự ưu tiên cao. Đó là nền tảng và lợi thế để Công ty tăng tốc, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho năm 2018 và những năm tiếp theo”, ông Trần Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Scavi Huế nói.

Hiện nay, quy mô lao động của Scavi Huế đã ở mức 6.000 người, nhưng nhà sản xuất hàng dệt may xuất khẩu lớn tại Huế này vẫn đang ráo riết tuyển dụng lao động. Ông Nguyễn Út, đại diện bộ phận tuyển dụng của Scavi Huế cho hay, Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để đảm bảo tiến độ sản xuất đối với các đơn hàng xuất khẩu đã ký.

6 tháng, thặng dư thương mại dệt may đạt 7,6 tỷ USD
Việc đạt kim ngạch xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018 đã giúp thặng dư thương thương mại ngành dệt may đạt 7,6 tỷ USD, tăng 13,87% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư