Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc vẫn ở dạng tiềm năng
Phương Anh - 03/09/2019 16:21
 
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn với giá trị hàng chục tỷ USD mỗi năm, nhưng tại thị trường này, nông sản Việt Nam còn chiếm tỷ lệ khá nhỏ và vẫn đang ở dạng tiềm năng.
Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam chỉ chiếm gần 6% thị phần tại thị trường Hàn Quốc.
Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam chỉ chiếm gần 6% thị phần tại thị trường Hàn Quốc

Chưa có thương hiệu mạnh

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực được 4 năm (từ năm 2015), nhưng sự xuất hiện của những mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này vẫn còn hạn chế.

Theo thống kê, năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USD hàng nông - lâm - thủy sản, trong đó, nhập khẩu rau quả và trái cây là 8,44 tỷ USD, thủy sản 5,045 tỷ USD, lâm sản 3,825 tỷ USD. Tuy nhiên, tại thị trường này, nhóm hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam mới chỉ chiếm gần 6% thị phần, với kim ngạch năm 2018 là 2,145 tỷ USD. 

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cho biết, dù Việt Nam có tiềm năng, nhưng để gia tăng xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản, thì còn nhiều việc phải làm. 

Theo ông Hong Sun, các sản phẩm nông sản của Việt Nam cần phải được tiêu chuẩn hoá, đặc biệt phải có chủng loại đồng đều, bởi hiện nay, chủng loại nông sản của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, chưa có thương hiệu thật mạnh nên khó tìm được những đối tác đủ năng lực và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có quy mô đủ lớn.

Mặt khác, dù giá cả trái cây Việt Nam rẻ hơn Hàn Quốc, song khi xuất khẩu ra nước ngoài vẫn chưa phải là thấp, khó cạnh tranh, nhất là ở Việt Nam có xảy ra tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thường cạnh tranh nhau bằng giá rẻ. Nếu không giải quyết được những vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam cũng như tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và thu nhập của người nông dân.

Phải đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đảm bảo

Chia sẻ một số biện pháp để nông sản Việt có thế đẩy mạnh vào thị trường Hàn Quốc, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Son Sung Hoon, Tổng giám đốc CJ Freshway Việt Nam cho rằng, để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo có nguồn cung nguyên liệu ổn định từ trang trại.

Bởi lẽ, các nước nhập khẩu như Hàn Quốc thường có quy định, tiêu chuẩn riêng đối với các mặt hàng nhập khẩu. Chỉ cần hàng nguyên liệu thô của Việt Nam có vấn đề, thì dù có sản xuất ra thành phẩm nào cũng không đạt tiêu chuẩn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường lớn và rất tiềm năng này, trước hết, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS (Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) của thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, là các công việc quan trọng khác như lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng và sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm. Lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến xuất khẩu…

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần hướng dẫn cho nông dân biết về những tiêu chuẩn này, nhằm sản xuất ra những mặt hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện ra những điểm yếu trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hợp tác chặt chẽ với các nông trại trong việc kiểm soát quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, muốn biến tiềm năng thành kết quả thực tế, việc đầu tiên cần làm là xây dựng được cơ chế thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước để chia sẻ các thông tin thị trường, vùng nguyên liệu… từ đó tăng cường hợp tác, giao thương, đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề như thiếu thông tin, doanh nghiệp lừa đảo, giả mạo.

“Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và các Bộ Công thương, Nội vụ xem xét thành lập hiệp hội doanh nghiệp Việt - Hàn. Thông qua đó, các vướng mắc sẽ được kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng của hai nước để cùng tháo gỡ, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại song phương phát triển đúng với tiềm năng”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng nguyên liệu, Thứ trưởng Nam cho rằng, các doanh nghiệp nên lập liên doanh, hợp tác với các trang trại, hợp tác xã để có vùng nguyên liệu chủ động, bảo đảm chất lượng, đồng thời cũng là cơ sở kêu gọi vốn từ các quỹ tín dụng. Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ cấp mã số vùng nuôi trồng và các vấn đề kỹ thuật khác.

Từ xu xướng ưa thích các sản phẩm hữu cơ của thị trường trong và ngoài nước, Thứ trưởng Nam cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ - CP về nông nghiệp hữu cơ nhằm đưa những quy định cụ thể, cơ sở pháp lý đầy đủ để các doanh nghiệp triển khai các sản phẩm này.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 70.000 ha nuôi trồng sản phẩm hữu cơ, tiềm năng còn rất lớn, nhất là những vùng núi, vùng cao đất đai chưa nhiễm hoá chất. Các doanh nghiệp hai nước nên có sự phối hợp đầu tư vào các vùng nguyên liệu, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi sản xuất để đưa sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng hai nước.

Xuất khẩu nông sản ngày càng cạnh tranh khốc liệt
Nhiều đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV lo ngại trước khó khăn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư