Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự báo năm 2019 xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn
Thu Phương - 05/03/2019 15:04
 
Năm 2019 nông sản Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, vì vậy sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn hơn.
.
Tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm, các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu. 

Ngày 5/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, World Bank Group tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá, trong năm 2018 ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%, kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2019 và những năm tới đây, nông sản Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, vì vậy sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa, trong đó bao gồm: thách thức về việc tổ chức lại nền sản xuất dựa trên nông hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ nông dân thành nền nông nghiệp tập trung, hướng đến hàng hóa có quản trị.

Cộng thêm, thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.  Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra, nền nông nghiệp Việt Nam cũng phải ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất. "Chúng ta phải làm sao để biến bất lợi thành lợi thế nhờ những giải pháp tổng thể từ việc lựa chọn những đối tượng sản xuất, quy trình sản xuất phù hợp,..." Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng cũng nhận định, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trịnh, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Chính phủ đã giao chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp là tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực gồm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ... để thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh.

Tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam ra thị trường trong nước và thế giới.

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiến tới hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc; Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam cả thị thị trường trong nước và quốc tế...

Xuất khẩu nông sản Việt và những “bom tấn” 10 tỷ USD
Nhờ thị trường rộng mở, tư duy thay đổi, ngày càng nhiều nông sản Việt trở thành “bom tấn” xuất khẩu. Đặc biệt, năm 2019, lần đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư