Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc: Yêu cầu cao về chất lượng và nguồn gốc
Thu Phương - 28/05/2019 11:41
 
Dung lượng thị trường và nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng nông, thủy sản của Trung Quốc tăng lên, tuy nhiên thị trường này ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và nguồn gốc.
Thực phẩm, nông sản, thủy sản... là những mặt hàng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về kiểm dịch.
Thực phẩm, nông sản, thủy sản... là những mặt hàng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về kiểm dịch.

Rộng nhưng không dễ tính

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc vừa phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản của Việt Nam được miễn thuế vào nước này. Trong danh sách này có không ít mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, bạch tuộc....

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, từ đầu năm, VASEP đã đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc trên 1,5 tỷ USD. Điều này là có cơ sở bởi nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân Trung Quốc đang tăng lên. Nhiều tỉnh lớn của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động buôn bán thủy sản với Việt Nam thay vì mua qua các đầu mối trung gian như trước. Thương mại điện tử tại Trung Quốc phát triển nhanh cũng giúp nhiều loại thủy sản của Việt Nam được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng tại đây. 

Ngoài thủy sản, nông sản Việt Nam cũng có điều kiện tăng tỷ lệ xuất khẩu, do nhu cầu của thị trường Trung Quốc tăng cao. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc cho thấy, năm 2018, nước này nhập khẩu hơn 137 tỷ USD hàng nông sản. Trong đó, những mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn là gạo (hơn 3 triệu tấn), sắn lát (gần 5 triệu tấn), thủy sản (14,8 tỷ USD), quả tươi (8,4 tỷ USD), rau các loại (830 triệu USD).

Dẫu vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cũng cho hay, nông thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các yêu cầu ngặt nghèo hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo các quy định, tiêu chuẩn được các cơ quan của Trung Quốc đưa ra.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang nước này đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho hải quan.

Ngoài ra, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn tại khu vực giáp biên với trang thiết bị hiện đại, tối tân, có năng lực kiểm định không thua kém các cơ sở của nước phát triển khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.... Theo kế hoạch, từ ngày 1/10/2019, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.

Thay đổi tư duy sản xuất

Trước tình hình đó, TS. Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý, các doanh nghiệp khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường này cần thông qua hệ thống các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ và Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc và Việt Nam, từ đó tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc.

Cũng theo khuyến nghị của Thương vụ, mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc nên thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ thương mại quốc tế, với các điều khoản về giao dịch, giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ và có tính ràng buộc cao, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua mạng Internet. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng tìm hiểu và đáp ứng các quy định xuất nhập khẩu mới như nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh thực phẩm của Chính phủ Trung Quốc, nhất là khi thực phẩm, nông sản, thủy sản... là những mặt hàng chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về kiểm dịch.

Có nhiều năm giao thương với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cũng chia sẻ, từ trước đến nay nhiều người vẫn cho rằng, Trung Quốc là thị trường không cần tiêu chuẩn cao. Nhưng đây là quan điểm sai, bởi Trung Quốc yêu cầu rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn nhập khẩu. Doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng vào đây phải thật sự nghiêm túc để thực hiện, đầu tư cho khâu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử như tiêu chuẩn Tổng hiếu khí của vi sinh vật được phép ở thị trường Trung Quốc chỉ 1.000 CFU/1 gram so với 10.000 CFU/1 gram của các quốc gia khác.

Theo ông Viên, các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, cần lưu ý các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, đóng - ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Song song đó, “các doanh nghiệp cũng nên tích cực tham gia các hội chợ triển lãm có uy tín tại Trung Quốc như Hội chợ quốc tế thực phẩm tại Thượng Hải, Hội chợ Trung Quốc - ASEAN tại Quảng Tây và các hội chợ chuyên ngành nông sản tại các địa phương khác để tiếp cận các đối tác, khách hàng lớn. Mặt khác, cần tận dụng tốt thương mại điện tử để đa dạng kênh xuất khẩu, phân phối sản phẩm cho nông sản tại thị trường Trung Quốc”, doanh nhân này chia sẻ.

Năm 2018, thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 147,8 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2017.

Trung Quốc 15 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện cũng là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 8 trên toàn cầu của Trung Quốc.

Xuất khẩu nông, thủy sản còn "mệt" để vào được Mỹ
Việc không cập nhật và thực thi các quy định, yêu cầu mới theo Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) đã khiến cả nghìn doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư