Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất nhập khẩu 8 tháng đã đạt gần 500 tỷ USD
Hà Nguyễn - 29/08/2022 14:00
 
8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 497,64 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 3,96 tỷ USD.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 8 tháng qua ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa tích cực, ước thặng dư 3,96 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 dự báo có thể đạt 800 tỷ USD

Như vậy, sau 2/3 chặng đường của năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đã sắp cán ngưỡng 500 tỷ USD. Với đà này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm có thể đạt trên 700 tỷ USD.

Mới đây, dựa trên kết quả khả quan của thương mại hàng hóa, Bộ Công thương đã nâng mức dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm lên 800 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, tăng khoảng 20% so với năm 2021, thay cho con số hơn 735 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ) được cơ quan này đưa ra vào đầu tháng Bảy.

Về diễn biến xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Như vậy là sau mấy tháng có xu hướng giảm, kim ngạch xuất khẩu tháng Tám so với tháng trước đã tăng trở lại.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2022, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,4%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 85,58 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 161,26 tỷ USD, tăng 14,2%.

Với tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu như vậy, ước tính, tháng Tám xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,44 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,4 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,1 điểm phần trăm.

Cơ cấu hàng nhập khẩu như vậy vẫn rất tích cực, khi chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Nhập khẩu nhóm hàng này tăng cho thấy nhu cầu sản xuất - kinh doanh trong nước vẫn tăng cao.

Tổng cục Thống kê cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 47,8 tỷ USD, tăng 21,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 9 tỷ USD, giảm 3,3%; nhập siêu từ Nhật Bản 320 triệu USD, giảm 74,7%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư