Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng từ căng thẳng Nga - Ukraine
Thế Hoàng - 03/03/2022 10:10
 
Kim ngạch xuất nhập khẩu với Nga trên 5,5 tỷ USD trong năm 2021, dù tỷ trọng không quá lớn, nhưng ít nhiều sẽ chịu những tác động trực tiếp lẫn gián tiếp từ căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng từ căng thẳng Nga-Ukraine, giá cả hàng hóa, nguyên liệu cũng chịu áp lực tăng cao
Xuất nhập khẩu sẽ chịu ảnh hưởng từ căng thẳng Nga-Ukraine, giá cả hàng hóa, nguyên liệu cũng chịu áp lực tăng cao.

Trước diễn biến căng thẳng từ xung đột giữa Nga-Ukraine, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn để tìm giải pháp giữ ổn định xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga.

Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở Đông Nam Á và thứ 6 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Số liệu của Bộ Công thương, năm 2021, thương mại 2 chiều Việt Nam - Liên bang Nga đạt trên 5,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu lượng hàng hóa sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12,2%, và nhập từ từ thị trường này 2,33 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2020.

So với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm qua gần 670 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hơn 336 tỷ USD, xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm gần 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Dù tỷ trọng xuất khẩu sang Nga không quá lớn, nhưng nhiều ngành hàng, doanh nghiệp lo ngại có thể chịu những tác động gián tiếp. Việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt với Nga có thể đặt ra thách thức với những doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nga và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường khác. Nhất là với các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, than...từ thị trường này.

Những năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điện thoại và linh kiện, hàng nông sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, da giày sang Nga và nhập từ thị trường này sắt thép các loại, than các loại, lúa mỳ, phân bón các loại, máy móc, thiết bị, phụ tùng.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, vì vậy sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến động của thị trường quốc tế và ảnh hưởng ban đầu đó là về thương mại hàng hóa, cung cầu, giá cả, vận chuyển, lưu thông hàng hóa….

Các chuyên gia kinh tế nhận định, những bất ổn chính trị sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường này.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thừa nhận, trong bối cảnh xuất nhập khẩu với Nga không thuận lợi do nước này bị trừng phạt, thanh toán khó khăn, doanh nghiệp sẽ hạn chế giao dịch với thị trường Nga trong thời gian tới, nhằm tránh rủi ro. 

Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung, vì vậy giá cả nhiều mặt hàng thời gian tới sẽ tăng trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khi nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa. Chi phí đầu vào tăng tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan cho biết, trước những bất ổn và biến động liên quan đến xung đột giữa Nga-Ukraine, trong khi giao dịch của thương mại nông sản của nước ta thì không dừng lại, 2 Bộ thống nhất cùng ngồi lại giao ban thường xuyên để nhận thông tin, phản hồi và xử lý thông tin tới các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng Nga và Ukraine dự báo sẽ có những tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới trong đó có Việt Nam. Nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng…

Đặc biệt, việc Mỹ và các đồng minh phương Tây nhất trí loại Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, bởi lâu nay hoạt động thanh toán giữa doanh nghiệp Việt và đối tác được thực hiện chủ yếu qua mạng lưới này.

Do đó, việc cập nhật thông tin về diễn biến tại khu vực thị trường này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt giảm được rủi ro trong giao dịch thương mại.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của rất nhiều FTA, tranh thủ đc bối cảnh khan hàng trên phạm vi toàn cầu nhất là với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế để đưa vào thị trường các nước, duy trì quan hệ thường xuyên với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để nắm được diễn biến tình hình xảy ra ở các khu vực, ở các Châu lục để có được phản ứng phù hợp.

Người đứng đầu ngành Công thương đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung cao độ, phối hợp chặt chẽ giữa 2 Bộ Công thương - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đánh giá tình hình, tăng cường cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đau đầu vì ngân hàng dừng nhận chứng từ sang Nga
Các ngân hàng Việt Nam đã từ chối nhận chứng từ để thanh toán các đơn hàng tại Nga và Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp đang hết sức đau đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư