Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất nhập khẩu năm 2024 có thể đạt 790 tỷ USD
Hải Yến - 03/04/2024 09:12
 
Trong kịch bản tăng trưởng cao với những diễn biến kinh tế thuận lợi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023, xuất siêu 27,16 tỷ USD.
“Báo cáo thường niên kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023”
Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2024.

Đây là dự báo được đưa ra trong Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023: “Chuyển đổi số với phát triển bền vững” do Trường Đại học Thương mại công bố.

Tại Báo cáo, các chuyên gia đã chỉ ra những xu hướng tích cực tới thương mại Việt Nam trong năm nay.

Một trong những dự báo tích cực, tác động tới tăng trưởng thương mại của nước ta là hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ và lạm phát giảm ở Mỹ. Tăng trưởng của Mỹ có khả năng mạnh hơn dự kiến khi áp lực lạm phát giảm và chính sách tiền tệ được nới lỏng sẽ thúc đẩy hoạt động toàn cầu.

Đại diện cho nhóm biên soạn báo cáo, PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng Khoa Kinh tế cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội, thuận lợi về thương mại khi tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới.

Ngoài ra, những tín hiệu tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng với hoạt động thương mại, đi kèm theo đó là các cải cách về chính sách thương mại và hải quan đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Cùng với vị trí địa lý thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Ngược lại, những yếu tố kém thuận lợi cho thương mại cũng được chỉ ra. 

"Tình hình thương mại Việt Nam năm 2024 vẫn được đánh giá là tương đối khó khăn khi sự hồi phục kinh tế của các nước đối tác của Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, gỗ, điện tử…", Báo cáo đề cập.

Cùng với đó là những khó khăn nội tại như chất lượng lao động chưa được cải thiện, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng chậm lại, việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế…

Việt Nam tham gia nhiều FTA với yêu cầu cao hơn nên phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, cả về thuế quan, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ… nên không còn được hưởng các ưu đãi đặc thù cho giai đoạn chuyển đổi như trước.

Báo cáo đưa ra 3 kịch bản về thương mại của Việt Nam trong năm 2024.

Kịch bản cơ sở:  Tăng trưởng GDP  Việt Nam đạt mức tăng 5,78% năm 2024 và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.607 USD/người/năm. Với kịch bản này, chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 3,71%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 760,15 tỷ USD, tăng 11,62% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 10,84%; nhập khẩu tăng 12,46%.

Kịch bản tăng trưởng cao, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng 6,21% năm 2024 và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.659 USD/người/năm. Chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 4,23%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 790,56 tỷ USD, tăng 16,08% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 15,28%; nhập khẩu tăng 16,95%.

Kịch bản tiêu cực: Tăng trưởng năm 2024 được dự báo ở mức tăng 5,21% và GDP bình quân đầu người theo USD đạt khoảng 4.556 USD/người/năm. Chỉ số CPI bình quân năm 2024 so với cùng kỳ khoảng 3,34%.

Ở kịch bản này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 737,35 tỷ USD, tăng 8,27% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu tăng 7,52%; nhập khẩu tăng 9,08%.

Để thực hiện mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, theo các chuyên gia, cần phải thực hiện nhiều chính sách, bao gồm: phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu; xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; phát triển chuỗi cung ứng; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics phục vụ hoạt động ngoại thương; hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Với nhóm chính sách phát triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu, cần tập trung phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn;  đổi mới cơ cấu hàng hóa, đa dạng hóa hàng hóa, hỗ trợ sản xuất trong các lĩnh vực mới và công nghệ trọng yếu nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước, tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, chính sách phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, phát triển sản phẩm xuất khẩu gắn với thương mại xanh, thương mại công bằng...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư