Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Xuất siêu tạo thêm động lực tăng trưởng
Thế Hải - 04/08/2019 09:28
 
Con số 1,8 tỷ USD xuất siêu trong 7 tháng đầu năm 2019 đặt trong bối cảnh nhiều mặt hàng nhập khẩu để phục vụ sản xuất như xăng dầu, than, nguyên liệu… tăng đột biến đã mang lại ý nghĩa lớn, tạo thêm động lực tăng trưởng cho chặng đường sắp tới.
Diễn biến tích cực của thị trường là động lực thôi thúc một số doanh nghiệp lớn điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Trong ảnh: Xưởng sản xuất bao bì của Tập đoàn An Phát.
Diễn biến tích cực của thị trường là động lực thôi thúc một số doanh nghiệp lớn điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Trong ảnh: Xưởng sản xuất bao bì của Tập đoàn An Phát.

Xuất siêu trở lại

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2019, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. “Vừa rồi, tôi dự hội nghị xúc tiến đầu tư ở Lào Cai và Kiên Giang thì thấy, không khí làm ăn của các nhà đầu tư trong nước rất tốt. Đây là dấu hiệu đáng mừng của nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Những chuyển biến tích cực mà Thủ tướng đề cập thể hiện rõ ở số liệu thống kê, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2019 của cả nước ước đạt 288,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 145 tỷ USD, tăng 7,5%; nhập khẩu ước đạt 143,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Điểm nhấn của kinh tế 7 tháng là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn mức tăng 5,6% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng nhẹ so với mức 29% cùng kỳ 2018.

Với kết quả trên, cán cân thương mại cả nước đang thặng dư 1,8 tỷ USD. Như vậy, sau mấy tháng nhập siêu, 2 tháng trở lại đây, cán cân thương mại đã đổi chiều. Tháng 6/2019, cả nước xuất siêu tới 1,9 tỷ USD, góp phần khiến cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục, từ nhập siêu trở thành xuất siêu 1,6 tỷ USD. Sang tháng 7, ước tính, nền kinh tế tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD.

Điều đáng mừng, trong bối cảnh phức tạp của thương mại toàn cầu, tăng trưởng xuất khẩu vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng dần qua các tháng và dần tiệm cận chỉ tiêu Quốc hội đề ra năm 2019. Nếu như tháng 6, xuất khẩu đạt 21,428 tỷ USD, thì tháng 7 đã tăng lên 22,6 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả khả quan trong 7 tháng đầu năm 2019 chủ yếu nhờ vào đà tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,9%; dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, tăng 7,2%...

Con số 1,8 tỷ USD xuất siêu đầu năm nay dù đã hụt hơi 800 triệu USD so với mức xuất siêu 2,6 tỷ USD của 7 tháng năm 2018, nhưng xét trong hoàn cảnh các mặt hàng cần nhập khẩu để phục vụ sản xuất như dầu thô, than đá có mức tăng đột biến 263,5% và trên 122%..., hoạt động xuất khẩu đang là một điểm cộng đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

Sắp thêm nhóm hàng “chục tỷ USD”

Những biến động của thị trường toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ít nhiều có ảnh hưởng đến xuất khẩu của một số ngành hàng chủ lực, nhưng hết tháng 7/2019, cả nước đã ghi nhận thêm 2 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Như vậy, so với con số 22 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD của nửa đầu năm nay, Top ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam đã tăng lên 24, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (2 mặt hàng đạt giá trị trên 20 tỷ USD, chiếm 34,2%), trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước là phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 164,3%; than đá tăng 122,1%; ô tô tăng 36,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19,5%.

Đi sâu vào bức tranh xuất nhập khẩu 7 tháng, dù khu vực doanh nghiệp trong nước đã có sự chuyển biến tích cực so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng do giá trị tuyệt đối của khu vực trong nước chỉ đạt 44 tỷ USD so với 101 tỷ USD của khu vực FDI, chiếm 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế, nên trụ cột tăng trưởng vẫn là khu vực FDI, với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính cho tới hàng dệt may, giày dép (là 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD sau 7 tháng).

Bên cạnh đó, trong khi nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 12,6%, đạt 60,83 tỷ USD, thì khu vực FDI tăng 5,3%, trị giá 82,5 tỷ USD.

Với tốc độ xuất khẩu như hiện nay, chỉ sau 1 tháng nữa, danh sách mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD sẽ có thêm một mặt hàng nữa là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Hiện xuất khẩu mặt hàng này đã chạm ngưỡng 9,7 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi tháng trên 1 tỷ USD, riêng tháng 7 ghi nhận kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 6/2019.

TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, năm 2019, tình hình xuất khẩu gặp khá nhiều khó khăn và việc lặp lại thành tích như năm 2018 được dự báo sẽ không dễ dàng.

Dù vậy, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Việt Nam đang duy trì tốc độ xuất khẩu tăng trưởng dương sang các thị trường có FTA, xuất siêu 16 tỷ USD sang EU, sang Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD (tăng 5%), ASEAN đạt 15,2 tỷ USD (tăng 5,5%)...

Những tháng còn lại của năm 2019, các ngành hàng xuất khẩu phải đề phòng diễn biến từ các thị trường lớn, như nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều trở ngại khi thị trường này tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây, hàng thủy sản…

Tập đoàn An Phát nâng kế hoạch doanh thu năm 2019

Diễn biến tích cực của thị trường là động lực thôi thúc một số doanh nghiệp có hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh lớn điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Chẳng hạn, Tập đoàn An Phát mới đây đã quyết định nâng mục tiêu doanh thu cả năm lên 12.000 tỷ đồng, tăng 20% so với mục tiêu ban đầu. Trong đó, 80% doanh thu của tập đoàn này đến từ xuất khẩu bao bì màng mỏng, tự phân hủy.

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch An Phát cho hay, việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh sẽ khiến Tập đoàn gặp thách thức lớn hơn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, nhưng đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp có nhiều giải pháp cũng như đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu.

Việt Nam xuất siêu sang 5 thị trường trong khối CPTPP
Hết năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên trong khối CPTPP đạt 74,5 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư