Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 13 tháng 02 năm 2025,
Yêu cầu 120 Website và 44 ứng dụng thương mại điện tử giải trình
Tú Ân - 13/02/2025 09:58
 
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với Tổng cục Thuế rà soát, yêu cầu thương nhân, tổ chức sở hữu 120 website và 44 ứng dụng thương mại điện tử giải trình trạng thái hoạt động.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Theo đó, đơn vị phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ thông tin về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với các mô hình tổ chức và hoạt động thương mại điện tử.

Căn cứ theo dữ liệu do Tổng cục Thuế cung cấp tại công văn số 439/TCT-DNNCN ngày 24/01/2025, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu 120 Website và 44 ứng dụng thương mại điện tử có giải trình về việc đã dừng hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

Trường hợp quá 30 ngày, doanh nghiệp không có phản hồi thông tin, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng TMĐT theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 56 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý.

Do đó, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thương mại điện tử và cơ quan thuế là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tăng cường kiểm soát, xác thực thông tin của thương nhân, tổ chức kinh doanh và người nộp thuế.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng và bền vững.

Thống kê theo dữ liệu của hơn 400 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định thì có hơn 300.000 cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với số thu thuế năm 2024 sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, phát sinh một số lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử chưa định danh được người bán.

Thống kê tại năm sàn thương mại điện tử  lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab thì có hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được người dùng với doanh số kinh doanh trên 70.000 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư