Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Du lịch Bình Định chuyển mình ấn tượng
Hà Minh - 05/11/2017 08:59
 
Với những bước chuyển mình mạnh mẽ, Quy Nhơn - thành phố nơi chân sóng đang như thỏi nam châm và khi đến với mảnh đất này, du khách sẽ dùng dằng chẳng muốn rời.
TIN LIÊN QUAN

Cú bứt tốc của du lịch

Trong 2 - 3 năm trở lại đây, du lịch Bình Định đã có những cú bứt tốc ngoạn mục. Lượng du khách đến với “đất Võ - trời Văn” này liên tục gia tăng từng năm, bởi tiềm năng du lịch của Bình Định đã thực sự được đánh thức bởi chiến lược kêu gọi đầu tư đúng hướng.

Con số tăng bình quân 21%/năm của giai đoạn 2011 - 2015 và gần 30% trong năm 2016 đã minh chứng cho những bứt phá mạnh mẽ trong ngành công nghiệp không khói của Bình Định.

Bình Định hút khách với loại hình du lịch tham quan nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Hoang sơ bãi biển Kỳ Co. Ảnh: Đào Tiến Đạt
Bình Định hút khách với loại hình du lịch tham quan nghỉ dưỡng. Trong ảnh: Hoang sơ bãi biển Kỳ Co. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Tiếp tục đà tăng trưởng đó, theo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, chỉ riêng 9 tháng năm 2017, Bình Định đã đón gần 3,2 triệu lượt khách,với doanh thu ước đạt 1.705 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2016.

Nếu những năm trước, du lịch Bình Định chủ yếu tập trung vào các sản phẩm truyền thống với danh thắng lịch sử, di tích, thì vài năm gần đây, với sự khai thác mạnh mẽ phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo đã thực sự đem lại cho ngành du lịch Bình Định một luồng sinh khí mới. Điều này lý giải vì sao, Bình Định đang quyết tâm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch với 3 trụ cột chính: biển đảo, văn hóa - lịch sử và khoa học.

Với những ai theo sát từng bước đi của ngành du lịch Bình Định, đó là cú bứt tốc ngoạn mục. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng không có gì ngạc nhiên khi Bình Định sở hữu hàng loạt danh thắng được chính những du khách từng đặt chân đến trải nghiệm ưu ái gọi bằng những tên gọi đầy mê hoặc như thiên đường nơi hạ giới để mỗi khi nhắc đến, đã kích thích sự tò mò và ham muốn được đến tận nơi chiêm ngưỡng, thưởng thức.

Đó là Tổ hợp khu nghỉ dưỡng đẳng cấp FLC Nhơn Lý, là Eo Gió hoang sơ như vòng tay ôm chặt du khách vào lòng; là “đệ nhất thiên đường” Kỳ Co với làn nước biển trong xanh, gành đá núi kỳ vĩ và bãi cát vàng nguyên sơ; là đảo Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu) đẹp như tranh vẽ; là Khu du lịch dã ngoại Trung Lương hoang sơ và yên tĩnh.

Và đặc biệt, đến với Quy Nhơn, với Bình Định, với bãi biển hoang sơ Ghềnh Ráng, là đến với Tổ hợp Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - điểm đến của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, nơi có Tổ hợp Không gian khoa học đầu tiên của Việt Nam...

“Thân thiện của người dân chạm đến trái tim du khách”

Theo đánh giá của ngành du lịch tỉnh Bình Định, có được những bước chuyển mạnh mẽ là do công tác thu hút đầu tư và xúc tiến du lịch tiếp tục được quan tâm. Nhiều dự án đầu tư hạ tầng du lịch được đưa vào khai thác; hình ảnh du lịch Bình Ðịnh trên các phương tiện thông tin đại chúng được mở rộng; nhiều bản đồ du lịch, ấn phẩm quảng bá các điểm đến tại Bình Ðịnh được biên soạn và phát hành đầy đủ, kịp thời.

Việc xây dựng các chương trình kết nối du lịch với Hà Nội, TP.HCM và các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để đưa khách về Bình Ðịnh được triển khai tốt. Công tác lồng ghép các chương trình presstrip, famtrip cho các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp lữ hành đến Bình Ðịnh khảo sát, nghiên cứu xây dựng các tour du lịch phù hợp với từng loại thị trường được quan tâm thực hiện. Ngành chức năng và các doanh nghiệp du lịch đã tập trung thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch, tham gia các hội chợ du lịch hằng năm tại TP.HCM, Hà Nội… Nhờ vậy, du lịch Bình Ðịnh đã trở thành một điểm đến mới của du lịch miền Trung.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: “Mục tiêu đến năm 2020, Bình Định phấn đấu đón 5 triệu lượt du khách. Vì vậy, bên cạnh công tác nâng cấp hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, công tác quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn cũng được chú trọng”.

Ngoài những quan tâm đầu tư hạ tầng và xúc tiến du lịch, TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn phát triển dùng Duyên hải miền Trung còn cho rằng, sự thân thiện của người dân sẽ kết nối và chạm đến trái tim du khách, là động lực để họ quay trở lại.

Do đó, muốn làm du lịch bền vững thì phải có “tư duy du lịch từ lãnh đạo cho đến người dân”. Một khi người dân nhường đất cho nhà đầu tư làm du lịch, thì chính họ phải là người được hưởng lợi nhất từ hoạt động du lịch. Người dân sẽ thân thiện với du lịch, nếu hoạt động đó mang lại lợi ích cho họ, chứ không phải biến họ thành người đứng ngoài cuộc.

“Hoạt động du lịch chỉ phát triển trong môi trường xã hội thân thiện. Trong môi trường này có 3 chủ thể cùng tham gia làm du lịch. Đó là, doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Du lịch là một ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị gia tăng cao, nhưng thị trường du lịch là thị trường khó tính nhất so với các thị trường khác. Môi trường xã hội thân thiện với du lịch là lợi thế để cạnh tranh. Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, không chỉ là việc giới thiệu có bao nhiêu dự án, chính sách ưu đãi thế nào, mà quan trọng hơn là chính quyền phải cam kết những việc mà mình phải làm để đồng hành cùng nhà đầu tư”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư