Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Gần 10 năm ở Việt Nam, Samsung nộp thuế được bao nhiêu?
Nguyên Đức - 06/11/2017 08:12
 
Đầu tư lớn, xuất khẩu nhiều, nhưng Samsung nộp thuế được bao nhiêu cho ngân sách Việt Nam?

Samsung đã nộp thuế được bao nhiêu?

Có một câu hỏi đã luôn được dư luận Việt Nam đặt ra, đó là Samsung đầu tư lớn, xuất khẩu nhiều nhưng đã nộp được bao nhiêu cho ngân sách Việt Nam?

Và câu trả lời đã được Samsung Việt Nam cho biết, dù đang trong giai đoạn được miễn, giảm thuê theo quy định của pháp luật Việt Nam song tổng số tiền nộp thuế của Samsung, bao gồm cả thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… vẫn tăng đều qua hàng năm.

Tổng số tiền nộp thuế của Samsung năm 2014 là 165 triệu USD; năm 2015 tăng lên 186 triệu USD; năm 2016 là 300 triệu USD (tương đương khoảng 6.750 tỷ đồng) và nửa đầu năm 2017 là 186 triệu USD (tương đương 4.185 tỷ đồng).

Con số là khá lớn, dù có thể, còn chưa được như kỳ vọng. Bởi thực tế, kể từ khi đi vào hoạt động tháng 4/2009 tới nay, doanh thu, lợi nhuận của Samsung Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng.

Năm 2016, báo cáo kết quả kinh doanh của Samsung toàn cầu cho biết, hai công ty chủ chốt của Samsung Electronics tại Việt Nam là Samsung Electronics Vietnam (SEV) và Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT) đã ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục.

.

Tổng số tiền nộp thuế của Samsung năm 2014 là 165 triệu USD; năm 2015 tăng lên 186 triệu USD; năm 2016 là 300 triệu USD (tương đương khoảng 6.750 tỷ đồng) và nửa đầu năm 2017 là 186 triệu USD (tương đương 4.185 tỷ đồng).


Con số của SEV là 19.426 tỷ won, tương đương 408.147 tỷ đồng doanh thu, và gần 43.000 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng trưởng hơn 5% so với năm 2015.

Trong khi đó, SEVT đạt 23.564 tỷ won doanh thu trong năm 2016 (495.074 tỷ đồng), và gần 55.500 tỷ đồng lợi nhuận.

Ngoài ra, hai công ty khác là Samsung Display Vietnam (SDV) và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) sau một năm hoạt động cũng ghi nhận doanh thu từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. 

Năm 2016, tổng cộng 4 công ty con của Samsung Electronics tại Việt Nam đạt tổng doanh thu năm 2016 hơn 1,05 triệu tỷ đồng, với lợi nhuận gần 100.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, 4 công ty thành viên nói trên đã đạt doanh thu 27,4 tỷ USD (tương đương 622.000 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 3,1 tỷ USD (70.600 tỷ đồng).

Bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4/2009, song do đang được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư - như bất cứ doanh nghiệp công nghệ cao nào khác theo quy định pháp luật của Việt Nam (được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo) nên trên thực tế, SEV chỉ bắt đầu phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2013. Còn SEVT, từ năm sau, mới chính thức phải nộp thuế. Một khi SEVT bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thì số thuế mà Samsung nộp cho ngân sách Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.

Một cách tính đơn giản nhất, với lợi nhuận tương tự năm 2016, thì năm tới, SEVT ít nhất nộp thêm cho ngân sách trên 2.775 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, tương đương trên 120 triệu USD. Con số sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi các công ty khác của Samsung có kết quả kinh doanh tốt hơn và cũng đến giai đoạn bắt đầu phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, sau 4 năm được miễn thuế.

Thông tin của Samsung cũng cho biết, thực tế, phần lớn lợi nhuận (khoảng 7 tỷ USD) mà Samsung thu được trong thời gian qua đã được SEV và SEVT tái đầu tư tại Việt Nam. SEV và SEVT đã đầu tư thực tế 7 tỷ USD trong tổng số 7,5 tỷ USD đăng ký đầu tư.

Bài toán “thả con săn sắt…”

Không khó để nhận ra, với tổng vốn đầu tư lớn lên tới 17,3 tỷ USD, với doanh thu và lợi nhuận cực lớn, Samsung Việt Nam hiện là doanh nghiệp thuộc diện được miễn giảm thuế lớn nhất Việt Nam hiện nay. Nếu không được miễn giảm thuế, lẽ ra năm 2016, SEVT đã phải nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp là 5.500 tỷ đồng, và thậm chí nếu không được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, thì con số mà SEVT phải nộp lên tới trên 10.000 tỷ đồng. Khoản ưu đãi là không nhỏ, nếu tính tất cả các công ty khác của Samsung tại Việt Nam, và nếu cộng dồn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư, GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đã nhiều lần khẳng định rằng, không thể chỉ nhìn vào số thuế mà Samsung đã nộp để nói rằng, Samsung đóng góp “không được bao nhiêu” cho kinh tế - xã hội Việt Nam, dù được ưu đãi lớn. Bởi thực tế, các tác động lan tỏa mà Samsung đã mang lại cho kinh tế - xã hội Việt Nam lớn hơn nhiều.

Đầu tiên, không thể không nói tới kim ngạch xuất khẩu thuộc diện “khủng” mà chưa có bất cứ doanh nghiệp nào ở Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, đạt được. Năm ngoái là trên 40 tỷ USD, năm nay sẽ vượt mốc 50 tỷ USD, qua đó góp phần không nhỏ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Hơn nữa, với nỗ lực phát triển hệ thống nhà cung cấp tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng mà Samsung mang lại cho kinh tế Việt Nam cũng không hề nhỏ. Chỉ tính riêng SEV và SEVT, con số của năm 2014 là 9,8 tỷ USD; năm 2015 là 17,2 tỷ USD và năm 2016 là 21,1 tỷ USD. Tính đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của SEV và SEVT là 57%, một tỷ lệ rất đáng ghi nhận.

Tất nhiên, cũng không thể không nhắc tới con số 160.000 lao động đang làm việc cho Samsung, trong đó có trên 1.600 kỹ sư đang làm việc trong trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam. Và chỉ riêng ngân khoản mà Samsung chi hàng năm để trả lương cho người lao động đã lên tới trên 800 triệu USD. Con số này, có lẽ cũng đủ để tác động lan tỏa tới đời sống của hơn một trăm ngàn hộ gia đình Việt Nam.

“Từ khi có Samsung, kinh tế - xã hội Thái Nguyên, Bắc Ninh đã thay da đổi thịt. Samsung chiếm tới 99% kim ngạch xuất khẩu của Thái Nguyên và 75% kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh, chưa kể các tác động lan tỏa khác tới đời sống của người dân, tới các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ vận chuyển, ăn uống… cho Samsung, tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài…”, GS. Nguyễn Mại nói.

Bởi vậy, nhìn một cách toàn diện, thì không thể không thừa nhận, những đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam là rất lớn. Khoản ưu đãi mà Chính phủ dành cho Samsung, trong trường hợp này có thể ví như những “con săn sắt”. Và nếu nhìn lại, thì bài toán “săn sắt” - “cá rô” xem ra đã mang lại hiệu quả rất lớn…

Khách quan khi đánh giá FDI
Trong hơn 2 ngày thảo luận tại nghị trường Quốc hội, không ít ý kiến đại biểu đã đề cập những đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư