Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hết “cửa” nhập thiết bị, công nghệ rác
Phan Long - 22/05/2013 07:51
 
Với dự thảo về quản lý mua sắm thiết bị, công nghệ đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, doanh nghiệp nhà nước chỉ được phép mua dây chuyền mới 100%.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp nhà nước sẽ chỉ được phép mua dây chuyền mới 100%.

Tới đây, việc mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ được siết chặt, khi Dự thảo về Cơ chế quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng để trình Chính phủ được thông qua.

Trước khi xây dựng Dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có một nghiên cứu, thống kê khá đầy đủ về thực trạng nhập khẩu máy móc, thiết bị trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trong đó, một thực trạng đáng lo ngại là, không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã nhập khẩu những thiết bị sản xuất từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do không đáp ứng hiệu quả sản xuất, tiêu tốn năng lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường, tốn kém chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, thậm chí phải ngừng hoạt động.

Một trong những sai phạm lớn nhất phải kể đến là việc trình lập, phê duyệt, triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M, do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư.

Vinalines quyết định phê duyệt đầu tư Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M, khi Dự án chưa được Bộ Giao thông - Vận tải cập nhật vào quy hoạch, chưa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ụ nổi 83M sản xuất năm 1965, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, quá tuổi so với quy định. Hàng nhập về khi Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa có mặt bằng, nên không có địa điểm lắp đặt, không hoạt động được và phải tốn thêm hàng chục tỷ đồng để sửa chữa và các chi phí khác.

Bên cạnh sai phạm của Vinalines, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cũng để xảy ra sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc tập đoàn đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, như không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, phê duyệt mua tàu trước khi lập và thẩm định dự án, không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh, không quyết toán vốn dự án…

Mặt khác, do việc khảo sát hạ tầng dự án không đầy đủ, hệ thống cầu cảng của Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của tàu mua về, nên phải điều chỉnh dự án, đầu tư xây dựng thêm cầu cảng, tàu chỉ hoạt động được một thời gian thì phải dừng do kinh doanh không hiệu quả.

Không chỉ sai phạm trong các dự án tàu thủy, Vinashin còn mắc nhiều sai phạm trong các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện. Có dự án khi chưa lập xong và chưa được phê duyệt đã ký hợp đồng mua bán dây chuyền máy móc, thiết bị, mua sắm nhiều thiết bị đã qua sử dụng kém chất lượng, không đồng bộ. Có dự án mua thiết bị tháo dỡ từ một nhà máy điện diesel thanh lý ở Trung Quốc. Có dự án, cơ quan chức năng đã có công văn yêu cầu đình chỉ thực hiện do không có cơ sở pháp lý để duyệt dự án, thiết bị công nghệ của dự án quá lạc hậu, các máy biến thế đưa vào Việt Nam có chứa chất độc hại…

Vì vậy, để siết chặt hơn lĩnh vực này, trong Dự thảo đang được xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị chỉ cho phép doanh nghiệp nhà nước nhập khẩu những máy móc, thiết bị, công nghệ mới, ưu tiên nhập khẩu loại có trình độ tiên tiến, trình độ cao, phù hợp với dự án đầu tư đã được duyệt.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các quy định hiện hành và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép nhập khẩu những máy móc, thiết bị cùng mức yêu cầu kỹ thuật mà trong nước đã sản xuất được. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hoạt động nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng và hướng dẫn triển khai hoạt động này.

Với đề xuất siết chặt hơn các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, việc nhập khẩu máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng sẽ được kiểm soát tốt hơn, do phải thông qua khâu thẩm định của Bộ này. Như vậy, sẽ khó còn cửa cho hành vi lách luật, khai báo không trung thực để nhập khẩu thiết bị, công nghệ rác, nhằm trục lợi cá nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư