Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Hợp tác APEC: Cửa lớn đã mở cho du lịch Việt
Hải Hà - 11/11/2017 20:05
 
Lần thứ 2, Việt Nam trở thành nước chủ nhà tổ chức Diễn đàn APEC, với du lịch sự kiện này đáng giá ngàn vàng.
.
Năm 2016, 81% khách quốc tế đến Việt Nam từ các thị trường thành viên APEC.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư điện tử, baodautu.vn, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour  khẳng định: “APEC với những mục tiêu bao trùm là mở rộng và tự do hoá các lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa 21 nền kinh tế thành viên sẽ đem lại cơ hội vàng để phát triển du lịch Việt Nam, trong đó có việc tạo điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, phạm vi thị trường, tăng cường giao lưu hợp tác và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch của các doanh nghiệp lữ hành trong nước”.

Ưu tiên của khu vực APEC trong năm 2017 về tự do hóa lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng được đánh giá là sẽ đem lại lợi thế cho ngành du lịch Việt Nam cũng như các thành viên APEC.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, bà Huyền cho rằng, sáng kiến của APEC 2017 về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” sẽ giúp các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có cơ hội tiếp cận với sự hỗ trợ và kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch của điểm đến, sự cần cù và sáng tạo trong lao động và tính chủ động trong ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Cơ hội thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kết nối Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi sản phẩm tour liên tuyến kết nối các điểm đến trong khu vực, gia tăng sức hút với du khách trong đó có các thị trường mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam như thị trường Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Di Lân), Trung Quốc,…. Quá trình thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi công nghệ du lịch trình độ cao của các thị trường có ngành du lịch phát triển”, bà Huyền nói.

Thực tế cho thấy, năm 2016 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa với tổng thu từ du lịch đạt trên 18 tỷ USD. Điều đáng chú ý là khách du lịch từ các quốc gia thành viên APEC đến Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu lượt, chiếm 81% tổng khách quốc tế đến Việt Nam.

Hiên, Việt Nam đã miễn thị thực nhập cảnh cho 9 nền kinh tế thành viên và thí điểm cấp thị thực điện tử cho 3 nền kinh tế khác trong khu vực APEC nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho du khách.

Đánh giá về tiềm năng phát triển khách quốc tế từ thị trường các nước thành viên APEC, ông Võ Quang Liên Kha, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, 5 nước Phillipines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan nằm trong khối APEC và cũng là những quốc gia nằm trong khu vực ASEAN, khu vực có lợi thế 600 triệu dân đi kèm những tương đồng về văn hóa được xem là thị trường rất tiềm năng cho du lịch Việt Nam.

Để đón đầu khai thác các thị trường này, ông Kha cho biết, Vietravel đang xúc tiến mở văn phòng đại diện tại Singapore bên cạnh 2 văn phòng đã có tại Thái Lan và Campuchia.  Ông Kha cũng cho biết thêm, trong số 21 thành viên của khối APEC, trước đó, Vietravel đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, và nhóm quốc gia nói tiếng Hoa….

Với những thị trường có nền kinh tế đứng đầu và có mức chi tiêu cao trong khối như Mỹ, Úc, doanh nghiệp này đã có văn phòng đại diện tại các thị trường này.

Không chỉ dừng lại ở hợp tác song phương cấp nhà nước, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện được đánh giá là khá chủ động trong việc tham gia các chương trình xúc tiến du lịch song phương do Tổng cục du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Cục du lịch Đài Loan (Trung Quốc) phát động.

Một số doanh nghiệp cũng đã chủ động khảo sát các tuyến điểm du lịch, đàm phán mở chặng bay, trợ giá vé máy bay với các hãng hàng không các quốc gia như Japan Airlines, China Southern Airlines, Aeroflot Russian Airlines, Jeju Air, Singapore Airlines… để đưa ra thị trường các tour mới với giá cạnh tranh thu hút du khách đến Việt Nam và ngược lại.

Tuy nhiên, nhìn ở thế ngược lại, các thành viên APEC cũng đặt mục tiêu phát triển du lịch phải đảm bảo tương quan với phát triển bền vững.

Theo Báo cáo của Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU), cứ 1% tăng trưởng khách du lịch sẽ góp phần giảm 0,12% số người nghèo trong khu vực. Du lịch còn đóng góp lớn cho kinh tế khi 10% tăng trưởng khách du lịch tại APEC sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng 1,2% và nhập khẩu tăng 0,8% tại mỗi nền kinh tế.

Với vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các thành viên APEC, du lịch đang được kỳ vọng sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực.

Với Việt Nam, mục tiêu đặt ra là tới năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia top đầu ASEAN không chỉ về số lượng mà cả tính bền vững.

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết: “Khuyến cáo của Tổ chức Du lịch thế giới đưa ra là phát triển du lịch bền vững không loại trừ phát triển du lịch đại trà (số đông). Do đó, kể cả phát triển du lịch đại trà cũng có thể bền vững. Làm sao phát triển số lượng đông mà vẫn đảm bảo bền vững về môi trường, về văn hóa, bền vững kinh tế là câu chuyện kỹ thuật mà người làm du lịch phải học hỏi và phải có kỹ năng, kiến thức và cách làm”.  

APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 đã bế mạc vào ngày 9/11 và thông qua văn kiện về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư