[Ảnh] Thiên đường du lịch Hồ Tràm hoang vắng sau cơn sốt bất động sản
Gia Huy - 01/04/2025 14:14
 
Từng được quảng cáo là thiên đường du lịch phía Nam, những năm 2019, biển Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nổi lên với hàng chục dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, thu hút nhà đầu tư khắp cả nước về đầu tư. Thế nhưng, tới nay nơi đây lại chỉ còn những dự án xây dựng dang dở, thiếu bóng khách du lịch.

Hồ Tràm là khu vực bãi biển nối giữa xã Bình Châu và thị trấn Long Hải, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hồ Tràm nằm cách trung tâm TP.HCM chỉ 125 km về hướng Đông Nam, vùng biển nơi đây còn khá hoang sơ, vẫn giữ được nét mộc mộc tự nhiên với một bên là biển, một bên là những đồi cát và làng chài mộc mạc.

Theo Quy hoạch của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu đô thị mới Hồ Tràm có quy mô 5.067,7 ha, là ranh giới địa chính xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc hiện nay. Khu quy hoạch được định hướng gồm 6 phân khu chức năng chính gồm: Khu trung tâm đô thị Hồ Tràm với diện tích khoảng 325 ha, quy mô dân số khoảng 24.300 người. Khu vực phát triển du lịch có diện tích 824 ha, quy mô dân số 3.000 người.

Khu vực làng xóm đô thị hóa diện tích 459 ha, quy mô dân số 8.200 người. Khu vực rừng phòng hộ diện tích 918,98 ha. Khu vực rừng đặc dụng (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu) diện tích khoảng 1.570,52 ha. Khu vực sản xuất nông nghiệp diện tích 970,2 ha.

Mục tiêu của việc quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chương trình phát triển đô thị tỉnh. 

Qua đó, xây dựng và phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, bền vững, trở thành một trung tâm hành chính; khu vực quan trọng trong hành lang phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, du lịch chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo môi trường sống thích hợp, hài hòa giữa các chức năng sản xuất, dịch vụ, du lịch, cảnh quan thiên nhiên; bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành đô thị du lịch biển của vùng; trở thành trung tâm kinh tế dịch vụ, du lịch, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện khu vực Hồ Tràm có 83 dự án du lịch còn hiệu lực, 4 dự án đang hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, 15 dự án tầm cỡ khác đang triển khai giai đoạn 1, đồng thời khẩn trương xây dựng giai đoạn 2, 33 dự án đã bàn giao mặt bằng và đang triển khai xây dựng.

Từ những năm 2019, nơi đây bỗng thành thiên đường nghỉ dưỡng, với hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện bởi các chủ đầu tư lớn nhỏ. Đơn cử dự án Dự án Ixora Hồ Tràm; Hyatt Regency Hồ Tràm; Dự án The Sea Class, Khu du lịch nghỉ dưỡng Edenia Resort Hồ Tràm, Nova Hồ Tràm, Charm Resot Hồ Tràm… 

Sau khi các dự án lớn, nhỏ đổ bộ về đây phát triển và mở bán, giá bất động sản nơi đây cũng ầm ầm tăng giá tạo cơn sốt đất. Bà Nguyễn Thị Huế, ngụ huyện Xuyên Mộc, địa phương giáp danh với khu Hồ Tràm nhớ lại, những năm 2019, khi đó đất nông nghiệp, đất vườn bỗng từ 400 triệu đồng/công bỗng được đẩy lên 1,5 tỷ đồng. 

Còn bà Lê Thị Thuý Hiền, ngụ TP.HCM cho biết, năm 2019 với con sốt đất và những quảng cáo về dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Hồ Tràm bà Hiền đã mua 2 căn biệt thự với giá mỗi căn 21 tỷ đồng để đầu tư. Tuy nhiên, tới nay, sản phẩm mà bà Hiền mua vẫn chưa được chủ đầu tư xây dựng xong. 

Cuối tháng 3/2025, phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn có mặt tại khu vực Hồ Tràm, ghi nhận thực tế vắng bóng người cùng hàng chục dự án bất động sản nghỉ dưỡng dừng xây dựng. Các căn biệt thự, nhà phố, khách sạn đang xây dựng phải dừng triển khai, cỏ mọc um tùm tại các dự án. 

Tuyến đường Trần Vĩnh Lộc dài hơn 30 km kéo dài hết khu vực Hồ Tràm với hai bên đường là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được mở bán rầm rộ từ năm 2019.
Cảnh hoàng vắng lớn nhất tại Hồ Tràm phải nhắc tới dự án mang tên Charm Resort Hồ Tràm do Công ty cổ phần Cham Group làm chủ đầu tư. Dự án được quảng cáo là khu nghỉ dưỡng 6 sao. 
Theo cam kết của Charm Group, dự án sẽ được xây dựng năm 2021 và bàn giao nhà cho khách hàng vào quý IV/2023. Với giá bán mỗi căn biệt thự tại đây là hơn 10 tỷ đồng, nhà phố là khoảng 7 tới 8 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, sau lần động thổ, mở bán và xây dựng phần khung hàng trăm căn nhà phố, biệt thự, chủ đầu tư đã dừng thi công từ năm 2022 cho tới nay.
Không chỉ nhà phố, biệt thự, mà toà nhà condotel, khách sạn cũng bị dừng xây dựng. 
Với diện tích 6 ha, ôm dọc đường bờ biển dài hàng ngàn mét. Thế nhưng, thứ còn lại sau thời gian mở bán nhà cho khách hàng là cỏ mọc và những khung nhà cốt thép xuống cấp.
Một dự án khách sạn 5 sao mang tên Cross Long Hải, được xây dựng và mở bán năm 2019, với diện tích 50.464 m2, với 2 phân khu gồm 58 căn biệt thự và 658 căn condotel. Dự án được quảng cáo sẽ hoạt động vào quý IV/2022. Nhưng tới nay, dự án mới xây dựng được 2 block condotel rồi dừng triển khai xây dựng từ năm 2020 cho tới nay.
Dự án mang tên Xuân Quang Villas do Công ty Đông Tây làm đơn vị phân phối từ năm 2020, nay cũng chỉ có cổng chào được xây dựng, phía bên trong dự án là khoảng đất trống đầu cỏ mọc.
Mở bán nhiều năm nhưng không xây dựng, hàng loạt dự án đã được chủ đầu tư gỡ thông tin dự án. Chỉ còn những căn biệt thự xây dang dở mặc nắng gió miền biển và cỏ mọc quanh dự án. 
Những công trình hiện đại, xây dựng xong phần thô. Tuy nhiên, lý do mà các dự án này phải dừng triển khai xây dựng được các chủ đầu tư cho biết do thiếu tiền triển khai xây dựng tiếp. Ngoài ra, việc thị trường "đóng băng" khiến các chủ đầu tư không mặn mà phát triển trở lại.
Năm 2019, mỗi căn biệt thự đồi nhìn ra biển có giá 30 tỷ đồng. Đã được bàn giao cho khách hàng, thế nhưng vì cảnh hoang vắng mà khách hàng cũng không thể bán lại hay đầu tư cho thuê dẫn tới cảnh bỏ hoang.
Những dãy nhà phố với giá bán 10 tỷ đồng/căn nhằm mục đích buôn bán tại tuyến đường Trần Vĩnh Lộc sau khi bàn giao cho khách hàng nhưng rồi cũng bỏ hoang vì không có khách du lịch.
Những khu nhà phố liền kề có giá bán 5 tới 7 tỷ đồng/căn được xây dựng đẹp nối ra biển. Thế nhưng, cũng chung cảnh ngộ bị bỏ hoang vì thiếu khách du lịch.
Lý do mà thị trường này rơi vào cảnh hoang tàn được giới phân tích thị trường đưa ra, đó là các doanh nghiệp cùng lúc phát triển quá nhiều dự án, cộng thêm việc tài chính phát triển dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng. Tới năm 2022, khi thị trường tài chính khó khăn, lãi suất vay tăng cao, cùng việc ngân hàng siết cho vay, phát hành trái phiếu dẫn tới các doanh nghiệp không thu xếp được nguồn tiền để triển khai xây dựng tiếp các dự án. Sau khi thị trường tài chính phục hồi thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đóng băng dẫn tới các chủ đầu tư không mặn mà xây dựng tiếp các dự án đã triển khai.
Hyatt Regency Ho Tram, một dự án hiếm hoi đang xây dựng tại Hồ Tràm. 
Theo giới phân tích để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng này phục hồi sẽ còn một thời gian khá dài khi thị trường phá tan băng. Đặc biệt, để các dự án này có thể xây dựng trở lại được cũng sẽ là một khó khăn lớn bởi các chủ đầu tư có dự án tại đây đều đang trong cảnh khó khăn về tài chính. 
Trong thời gian đợi thị trường lẫn các chủ đầu tư phục hồi, Hồ Tràm vẫn phải rơi vào cảnh hoang vắng với hàng chục dự án bất động sản "đắp chiếu".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản