Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Kiểm soát quyền lực vì đội ngũ cán bộ chiến lược của đất nước
Bá Thư - 20/02/2018 09:12
 
“Thời nào, cách mạng nào thì con người vẫn là cái gốc. Chúng ta phát triển cách mạng 4.0, phát triển công nghệ số với sức mạnh vượt trội mà người lãnh đạo, quản lý không có tâm trong sáng, không vì dân, vì nước, bản thân tham vọng quyền lực và không được kiểm soát quyền lực thì hậu quả sẽ rất khó lường”, PGS-TSKH. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi với Báo Đầu tư khi nói tới câu chuyện kiểm soát quyền lực trong bối cảnh mới của đất nước.

Thưa PGS, không phải ngẫu nhiên, ngay trong những ngày đầu năm mới 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập vấn đề kiểm soát quyền lực tại Hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương Đảng?

Câu chuyện kiểm soát quyền lực không phải là mới, nhưng thực tiễn xã hội vừa qua đã cho thấy, kiểm soát quyền lực nổi lên là yêu cầu hết sức cấp bách. Chính đồng chí Tổng Bí thư thẳng thắn cho rằng, hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp. Người đứng đầu Đảng cũng đề cập hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, thể hiện trách nhiệm với Đảng, với nhân dân.

PGS-TSKH. Nguyễn Trọng Phúc.
PGS-TSKH. Nguyễn Trọng Phúc.

Dư luận vừa qua rất đồng tình khi nhiều đại án được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm, trong đó đã xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham ô, tham nhũng - kể cả những cán bộ cao cấp. Nó cho thấy phần nào hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực, nhưng cũng cho thấy thực tế là còn nhiều lỗ hổng, nhiều khe hở trong công tác này.

Nói đến kiểm soát quyền lực, nhiều người vẫn hiểu đơn giản là công việc của Nhà nước, thưa ông?

Đó là cách hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất vấn đề. Phải nói ngay rằng, ở quốc gia nào cũng vậy, đảng nào cầm quyền cũng phải lựa chọn nhân sự, xây dựng chính quyền, nắm quyền lực để vận hành các chính sách phát triển đất nước. Đảng cầm quyền nào buông lỏng quyền lực, không kiểm soát quyền lực thì sẽ đánh mất vai trò cầm quyền của mình. Nói như vậy để thấy, kiểm soát quyền lực là yêu cầu tất yếu, khách quan của mọi đảng cầm quyền, để quyền lực được sử dụng đúng, để cán bộ không đi chệch đường lối, chính sách, không làm thất thoát các nguồn lực trong phát triển đất nước - bao gồm nguồn lực về con người.

Đảng cầm quyền nào cũng phải kiểm soát quyền lực dựa trên những trụ cột cơ bản. Đó là quyền quyết định về đường lối, cương lĩnh phát triển đất nước; quyền quyết định cơ cấu, tổ chức bộ máy phù hợp để triển khai đường lối; quyền quyết định lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất phù hợp với các nhiệm vụ được giao. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo, Nhà nước pháp quyền như nước ta, kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước là công cụ để kiểm soát các quyền đó, bên cạnh sự giám sát của nhân dân.

Vậy trong lịch sử phát triển của Đảng ta, vấn đề kiểm soát quyền lực đã được Đảng ta quan tâm như thế nào, thưa ông?

Từ khi Đảng cầm quyền (Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam độc lập) đến nay, thời kỳ nào Đảng ta cũng chú trọng đến giám sát, kiểm soát quyền lực, dù là cách sử dụng ngôn từ, câu chữ có khác nhau.

Thực tế là trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, công tác cán bộ của Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng đã được làm chặt chẽ, nắm rất vững, ai đã trải qua những giai đoạn đó đều biết rất rõ. Một ví dụ nhỏ như có thời kỳ ở miền Bắc, nếu cán bộ tư túi vài chục kg thóc của hợp tác xã đã có thể bị kỷ luật, khai trừ Đảng. Chính việc siết chặt kỷ luật như vậy đã góp phần tạo nên sức mạnh của Đảng, niềm tin của nhân dân vào Đảng, góp phần giành được những thắng lợi quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, thống nhất đất nước và tiến hành thành công công cuộc Đổi mới.

Khi bố trí một cán bộ vào vị trí có chức, có quyền mà lại thiếu kiểm soát, giám sát thì người kém bản lĩnh dễ sa ngã, vi phạm...

Một phần do điều kiện, bối cảnh lúc đó khác với bối cảnh phát triển kinh tế sau này, nhưng không thể phủ nhận là khi đó, nhờ kiểm soát tốt mà cán bộ, đảng viên ít tha hóa, biến chất, ít sai phạm phải kỷ luật, xử lý.

Vậy kiểm soát quyền lực trong bối cảnh hội nhập hiện nay có điểm gì khác, thưa PGS?

Khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới, hội nhập với thế giới thì đòi hỏi tư duy phải cởi mở, thông thoáng, không thể bó buộc, kìm hãm sự phát triển. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự buông lỏng, thiếu giám sát, vô nguyên tắc.

Chính sự buông lỏng kiểm soát quyền lực ở nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác đã dẫn đến tình trạng như Trung ương Đảng đã nhận định, rằng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa đà vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi…”.

Khi bố trí một cán bộ vào những vị trí có chức, có quyền mà lại thiếu kiểm soát, giám sát thì người kém bản lĩnh đã dễ sa ngã, vi phạm, chưa nói gì đến người ham vật chất, tham vọng quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội.

Hơn nữa, chúng ta đang hào hứng nói đến cách mạng 4.0, đó là điều đáng mừng, song không thể bỏ qua yếu tố trung tâm của mọi cuộc cách mạng, đó là con người. Nếu một cán bộ có chức, có quyền, làm chủ công nghệ với sức mạnh vượt trội mà lại không tâm huyết, vì dân, vì nước, lại tham vọng quyền lực thì hậu quả sẽ rất khó lường. Chính vì thế, tôi cho rằng, kiểm soát quyền lực cho hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng đã và đang được nói đến, mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho tương lai của đất nước.

Thưa PGS, để kiểm soát quyền lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, phải “nhốt quyền lực vào lồng thể chế”. Chiếc “lồng” này có thể hiểu như thế nào?

Như tôi đã nói, trong điều kiện Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền, đó chính là đảm bảo quyền lực bằng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự giám sát của nhân dân.

Vấn đề hiện nay là phải định hình rõ cơ chế vận hành việc kiểm soát quyền lực, làm rõ ai kiểm soát, kiểm soát ai, kiểm soát những nội dung gì, bằng công cụ gì, thước đo gì.

Trước kia, chúng ta đã coi trọng tính kỷ luật, kỷ cương, nhưng còn nhiều định tính. Nay đã có nhiều quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, có khung, có lượng hóa cụ thể hơn, như đối với cán bộ cấp cao thì có Quy định số 89-QĐ/TW “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Quy định số 90 -QĐ/TW “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, rồi gần đây là Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Với các quy định cụ thể, sát hơn như vậy, những cán bộ, đảng viên có chức quyền ở cấp cao có thể được xem xét, đánh giá chính xác hơn, cũng là để các cán bộ, đảng viên trong diện quy hoạch, sau này có thể được lựa chọn đảm nhận những vị trí lãnh đạo cao hơn soi rọi, rèn giũa ngay từ bây giờ, đồng thời để Đảng có thể lựa chọn, sàng lọc cán bộ từ sớm, dần hạn chế tình trạng nể nang, xuê xoa, né tránh, tôi không đụng đến anh thì anh không đụng đến tôi…

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến về cơ chế “kiểm soát quyền lực”, trong đó nhắc đến việc xoá bỏ những đặc quyền, đặc lợi của cán bộ có chức vụ, tiến tới cán bộ lãnh đạo, quản lý được hưởng đúng quyền lợi gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, hay đề xuất tăng cường đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội hay dư luận quần chúng nhân dân nhằm có thêm kênh thông tin kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời biểu hiện chạy chức, chạy quyền…

Đó là những đề xuất rất đáng chú ý, cần được góp ý, xem xét kỹ lưỡng để từng bước triển khai. Đây là việc rất khó và đụng chạm đến quyền lợi của nhiều cán bộ có chức, có quyền, nhưng không thể không làm.

Thưa PGS, mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có đề cập tình trạng “cấp trên đốt lửa to, nhưng cấp dưới chậm đốt lửa hoặc đốt lửa nhỏ, trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ vẫn huỷ hoại niềm tin của nhân dân, huỷ hoại tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Phải chăng câu chuyện kiểm soát quyền lực không thể xem nhẹ ở cấp thấp, với cán bộ chức “nhỏ”?

Quả thực, đó là điều đáng suy nghĩ, đáng lo, đòi hỏi phải chú trọng cả kiểm soát quyền lực ở diện rộng, cả các cấp thấp hơn. Vì trước hết, đã là tham nhũng, vi phạm pháp luật, lợi dụng chức quyền để tư lợi thì cấp nào cũng phải theo mức độ vi phạm mà xử lý. Thứ hai, việc kiểm soát quyền lực của cán bộ ở cấp cao dù sao cũng đã có một số quy định về kiểm tra, giám sát và đang tiếp tục được quan tâm, nhưng với diện rộng thì kiểm soát khó hơn, vì con số rất lớn, ở từng sở, ban, ngành, địa phương, từ tỉnh, huyện xuống mỗi xã, phường...

Tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn ở diện rộng này đã được nhắc đến nhiều, lâu nay vẫn gọi là “tham nhũng vặt”, kiểu đi đâu cũng phong bì, bôi trơn, cán bộ “mặt lạnh như tiền”, còn rất nhức nhối. Không kiểm soát quyền lực với diện rộng này thì không chỉ làm mất của cải, vật chất, mà còn mất niềm tin của nhân dân và có thể mất chính đội ngũ cán bộ đó.

Đối với các cấp này, hiện có một thực tế là hiệu lực, hiệu quả kiểm soát ở cơ quan kiểm tra, giám sát ngang cấp còn hạn chế, nhiều vụ việc cơ quan ngang cấp làm rồi nhưng sau đó cấp trên kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm, thậm chí sai phạm nghiêm trọng. Do đó, cần kiện toàn, làm rõ trách nhiệm, nội dung kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan kiểm soát ngang cấp.

Tổng bí thư: Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã được làm kiên quyết, nghiêm minh
Sáng 28/12 Chính phủ họp trực tuyến với 63 tỉnh thành cùng các bộ ngành để đánh giá, tổng kết nhiệm vụ 2017 và bàn phương hướng thực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư