Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mở toang cửa đầu tư thủy sản
Thùy Liên - 26/03/2014 09:00
 
Cơ chế ưu đãi đầu tư mới, thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), điều chỉnh cơ cấu đầu tư công… đang được kỳ vọng sẽ mở toang cánh cửa đầu tư vào thủy sản, chấm dứt cảnh đầu tư èo uột hiện nay. Hơn 200 DN được xuất khẩu thủy sản vào Argentina Thủy sản Việt Nam hội nhập và phát triển Phú Yên: Cú huých lọc dầu và nông nghiệp công nghệ cao

FDI ngán, tư nhân ngại, Nhà nước bí vốn

Là một trong những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng đáng ngạc nhiên là, lĩnh vực này ở Việt Nam lại hầu như vắng bóng các nhà đầu tư tầm cỡ, ngoại trữ lĩnh vực thức ăn chăn nuôi thủy sản.

Mở toang cửa đầu tư thủy sản
Cần có định hướng dài hạn về thu hút đầu tư vào ngành thủy sản
Ảnh: Hà Thanh

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2013, cả nước có khoảng 70 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, thức ăn và giống thủy sản với tổng vốn đăng ký vỏn vẹn trên 300 triệu USD. Đầu tư tư nhân trong nước vào thủy sản cũng rất thấp.

Ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Rủi ro lớn, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn là nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa mặn mà đầu tư vào ngành thủy sản. Nếu có đầu tư, thì cũng chỉ vào những phân khúc hớt váng như thương mại thủy sản, thức ăn thủy sản. Hiện vốn đầu tư cho ngành thủy sản vẫn trông cậy chính vào đầu tư công”.

Mặc dù vậy, đầu tư công vào lĩnh vực thủy sản thời gian qua cũng chưa xứng tầm. Giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư cho thủy sản chiếm gần 3% tổng vốn đầu tư toàn ngành nông nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ này đã được cải thiện, song vẫn còn thấp. Bộ NN&PTNT đang nỗ lực nâng tỷ lệ này lên 7% trong giai đoạn 2011 - 2015 và lên 10% trong giai đoạn 2016 - 2020.

Riêng tại các tỉnh duyên hải miền Trung, theo số liệu nghiên cứu của bà Đỗ Thu Trang (Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư cho ngành thủy sản các tỉnh này đã tăng từ 1.800 tỷ đồng (năm 2006) lên 2.500 tỷ đồng (năm 2010). Vốn đầu tư cho ngành thủy sản cao mang lại hiệu quả gấp 2,2-2,5 lần so với mức bình quân của nền kinh tế, song tổng mức đầu tư nhỏ và đang có xu hướng giảm.

Đổi mới cơ chế để gọi vốn đầu tư

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian tới, cơ cấu vốn đầu tư cho thủy sản sẽ thay đổi theo hướng giảm dần vốn ngân sách nhà nước, tăng chính sách ưu đãi tín dụng và các chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư FDI, đầu tư theo hình thức đối tác PPP với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Được biết, Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với Metro Cash & Carry Việt Nam và một số doanh nghiệp khác như Cargill, Fresh Studio để thực hiện những dự án PPP trong lĩnh vực thủy sản và đã thu được một số kết quả khả quan. Đây là động lực để ngành phát triển nhiều dự án khác theo hình thức PPP.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Bộ đang triển khai rà soát lại quy hoạch các khu neo đậu tránh trú bão và quy hoạch hệ thống cảng cá phạm vi cả nước để trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung và đề xuất tiêu chí chính sách đầu tư. Đồng thời, tham mưu Chính phủ và cùng các địa phương quy hoạch chi tiết và kêu gọi xúc tiến đầu tư để hình thành các trung tâm nghề cá lớn, như Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Thơ. Trong đó, 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm, riêng Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung là Đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu các trung tâm nghề cá lớn được thành lập, việc thu hút vốn ODA và FDI sẽ dễ dàng hơn. Tổng cục Thủy sản cũng đang tập trung quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, quản lý mặt hàng thủy sản theo chuỗi, cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ để doanh nghiệp an tâm hơn khi đầu tư vào thủy sản.

Thời gian tới, ngành thủy sản sẽ thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên vốn cho hạ tầng thủy sản, dịch vụ hậu cần, các vùng nuôi tập trung, trung tâm giống… theo định hướng tập trung sản xuất thâm canh, áp dụng công nghệ cao, liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm. Theo đó, đầu tư cho khai thác hải sản tăng từ 27,88% lên khoảng 32%, nuôi trồng thủy sản giữ mức 25,49%, cơ khí dịch vụ hậu cần tăng từ 16,18% lên 23%...

Để thu hút mạnh vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI vào lĩnh vực thủy sản, bà Đỗ Thu Trang cho rằng, các tỉnh cần có định hướng dài hạn về thu hút đầu tư vào ngành thủy sản. Đồng thời, cần liên kết vùng vùng trong xúc tiến đầu tư để tạo ra tác động lớn hơn.

“Cơ hội đầu tư vào ngành thủy sản vẫn đang rộng mở với các nhà đầu tư”, bà Trang nhận định.

Gia đình là nền tảng thành công
“Tôi thành công phần lớn là nhờ sự hậu thuẫn của gia đình”. Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư