Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 01 năm 2025,
Nhìn lại “tứ giác mục tiêu” của nền kinh tế
Minh Nhung - 12/01/2018 08:05
 
“Tứ giác mục tiêu” vừa đóng vai trò chủ yếu, vừa có tính phổ biến với bất cứ nước nào, bao gồm: tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư và thất nghiệp ít.
TIN LIÊN QUAN

Các mục tiêu này của Việt Nam trong năm qua nói chung là tốt.

Tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng GDP năm 2017 đạt được nhiều sự vượt trội.

Thứ nhất, tốc độ tăng cao nhất trong vòng 9 năm.

Thứ hai, tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung của thế giới (kinh tế thế giới được dự báo tăng 2,7 - 3,5%).

Thứ ba, năm đầu tiên sau nhiều năm đã đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội (6,7%), với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ đầu tư, tín dụng, khởi nghiệp, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu...

Thứ tư, tốc độ tăng cao lên qua các quý (quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,17%, quý III tăng 7,46%, quý IV tăng tới 7,65%.

Thứ năm, tăng trưởng cao hơn ở cả 3 nhóm ngành, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng tích cực. Trong đó, tăng trưởng nông, lâm nghiệp - thủy sản đã phục hồi cao gấp đôi so với năm trước đó (2,9% so với 1,36%). Tăng trưởng công nghiệp - xây dựng phục hồi, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Thứ sáu, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2017, so với năm trước đó, suất đầu tư tăng trưởng giảm (4,9 lần so với 5,3 lần).

.
.

Lạm phát (biểu hiện là CPI)

CPI năm 2017 được xem xét trên các góc độ khác nhau.

Thứ nhất, CPI năm 2017 tăng cao hơn năm 2016 (3,53% so với 2,66%), nhưng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (4%).

Thứ hai, CPI năm 2017 được coi là hợp lý bởi không tăng quá cao như thời kỳ 2004 - 2013 (bình quân năm tăng 10,53%); không tăng quá thấp như 2 năm 2014, 2015 (bình quân năm tăng 2,36%). Tính hợp lý thể hiện ở chỗ: thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm và thấp xa so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Thứ ba, xét theo các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, giá hàng hóa tăng thấp, thậm chí có loại giảm. Giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn giảm. Một số hàng hóa khác giá cũng tăng thấp. Trong khi đó, giá dịch vụ tăng cao, đặc biệt là dịch vụ y tế, giao thông, dịch vụ giáo dục.

Cán cân thanh toán có số dư

Một nội dung quan trọng của cán cân thanh toán là xuất/nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với những điểm vượt trội đưới đây.

Tính chung, cán cân thanh toán có số dư khoảng 6 tỷ USD; dự trữ ngoại hối ước đạt 50 tỷ USD, tăng gần 11 tỷ USD.

Một là, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2017 đạt 226,87 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kỷ lục này đạt được ở cả xuất khẩu hàng hóa (213,77 tỷ USD) và xuất khẩu dịch vụ (13,1 tỷ USD).

Hai là, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP năm 2017 lần đầu tiên vượt mốc 100%, thể hiện độ mở cao của nền kinh tế.

Ba là, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt 2.385 USD, đứng thứ 5 khu vực ASEAN, thứ 18 ở châu Á, thứ 58 trên thế giới.

Bốn là, so với năm trước, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 19,9% (tăng 27,6 tỷ USD), cao gấp hơn 2 lần so với năm trước đó, cao cấp 3 lần tốc độ tăng GDP và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

Năm là, xuất khẩu hàng hóa tăng ở cả 2 khu vực. Khu vực kinh tế trong nước trong nhiều năm trước còn tăng thấp, thậm chí có năm giảm, nhưng năm 2017 đã tăng khá cao (tới 16,2%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt quy mô cao hơn (chiếm gần 73%) và tăng cao hơn (23%).

Sáu là, tăng trưởng đạt được ở nhiều mặt hàng chủ yếu. “Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” năm 2017 có 29 thành viên, tăng 4 thành viên.

Bảy là, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt được do lượng xuất khẩu tăng (17,7%) và do đơn giá tăng (2,93%)

Tám là, tăng trưởng ở hầu hết các địa bàn.

Chín là, tăng trưởng đạt được ở nhiều thị trường xuất khẩu. “Câu lạc bộ các thị trường đạt trên 1 tỷ USD” năm 2017 có 29 thành viên, có 2 thị trường đạt trên 30 tỷ USD, đặc biệt lần đầu tiên có một thị trường (Hoa Kỳ) vượt mốc 40 tỷ USD.

Mười là, do xuất khẩu hàng hóa đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn nhập khẩu, nên trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam tiếp tục xuất siêu, với mức cao hơn năm trước (2,67 tỷ USD so với 1,78 tỷ USD).

Mười một là, so với kế hoạch, thực tế xuất khẩu đã tăng cao gấp 3 (6 - 7%), vượt trên 26 tỷ USD; không những không nhập siêu lớn như kế hoạch (6,6 - 6,9 tỷ USD), mà còn xuất siêu.

Tính chung, cán cân thanh toán có số dư khoảng 6 tỷ USD; dự trữ ngoại hối đạt 53 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.

Thất nghiệp thấp và giảm

Tính theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động Việt Nam thuộc loại thấp và giảm nhẹ (năm 2015 là 2,33%, năm 2016 là 2,30%, năm 2017 là 2,24%); tỷ lệ thiếu việc làm là 1,63%, giảm so với các năm trước (2010 là 3,57%, 2013 là 2,79%, 2014 là 2,4%, 2015 là 1,89%, 2016 là 1,66%). Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao (gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư