Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
Một nhà đầu tư cá nhân rời ghế cổ đông lớn tại Petrosetco sau hơn 1,5 tháng
Duy Bắc - 15/09/2023 06:45
 
Vừa trở thành cổ đông lớn, ông Cao Trường Sơn đã bán ra và giảm sở hữu tại Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET - sàn HoSE) về 4,46% vốn điều lệ.

Ngày 11/9, ông Cao Trường Sơn, một nhà đầu tư cá nhân vừa bán ra 900.000 cổ phiếu PET để giảm sở hữu từ 5,48%, về còn 4,46% vốn điều lệ.

Như vậy, sau giao dịch, ông Cao Trường Sơn chính thức không còn là cổ đông lớn tại Petrosetco, đồng thời không có nghĩa vụ công bố thông tin.

Trước đó, ngày 27/7, ông Cao Trường Sơn thực hiện mua 3,66 triệu cổ phiếu PET để nâng sở hữu từ 1,78%, lên 5,49% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Petrosetco. Trong đó, mặc dù giao dịch ngày 27/7 nhưng ông Cao Trường Sơn công bố thông tin ngày 5/9, điều này có nghĩa là sau hơn 1 tháng thực hiện giao dịch, ông Cao Trường Sơn mới báo cáo kết quả giao dịch khi trở thành cổ đông lớn.

Như vậy, khoảng 1,5 tháng trở thành cổ đông lớn, ông Cao Trường Sơn đã bán ra và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Petrosetco.

Nửa đầu năm 2023, lợi nhuận giảm 58,4%, về 43 tỷ đồng

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.503,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 3,3 tỷ đồng, giảm 77,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 8,5%, xuống còn 3,4%.

Được biết, theo dữ liệu của Chứng khoán SSI, từ quý I/2010 tới nay, chưa bao giờ biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm xuống dưới 3,4%. Trong đó, biên lợi nhuận gộp trong 6 năm trở lại đây dao động từ 4,97% đến 6,99%. Như vậy, đây là mức biên lợi nhuận thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 48,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 141,38 tỷ đồng, xuống 151,21 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 151,1%, tương ứng tăng thêm 57,15 tỷ đồng, lên 94,98 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 53,85, tương ứng giảm 121,18 tỷ đồng, xuống 103,95 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 51,4%, tương ứng tăng thêm 45,76 tỷ đồng, lên 134,82 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý II/2023, Công ty ghi nhận lỗ 87,56 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 21,6 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 65,96 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý II, lợi nhuận gộp của Petrosetco tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty chỉ thoát lỗ nhờ vào doanh thu tài chính tăng đột biến.

Công ty lý giải lợi nhuận giảm trong kỳ do nhu cầu của thị trường sụt giảm nên các sản phẩm trên toàn thị trường đồng loạt giảm giá. Điều này làm cho biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong kỳ.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 8.749,3 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 43 tỷ đồng, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, Petrosetco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 18.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 240 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Petrosetco mới hoàn thành 17,9% so với kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 240 tỷ đồng.

Quay lại đầu tư chứng khoán, tăng nợ vay lên 4.207,1 tỷ đồng và bằng 206% vốn chủ sở hữu

Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Petrosetco tăng 14,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.291 tỷ đồng, lên 10.330,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 4.487,5 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.831 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.466,4 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 39,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 796,4 tỷ đồng, lên 2.831 tỷ đồng; tồn kho giảm 39,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 952,2 tỷ đồng, xuống 1.466,4 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, danh mục đầu tư chứng khoán tại thời điểm 31/12/2022 là 10,63 tỷ đồng; thời điểm 31/3/2023 là 0 tỷ đồng; và tại thời điểm 30/6/2023 là 11,24 tỷ đồng. Trong đó, tại thời điểm 30/6/2023, Petrosetco không thuyết minh chi tiết nắm giữ cổ phiếu nào trong danh mục.

Được biết, thời điểm 31/12/2019, Công ty không đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, các năm sau đó, Công ty liên tục đổ tiền vào đầu tư chứng khoán, năm 2020 đầu tư 68,1 tỷ đồng; năm 2021 đầu tư 231,6 tỷ đồng; đỉnh điểm 30/6/2022, Công ty đầu tư 419,3 tỷ đồng, chiếm 5% tổng tài sản. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2022, Công ty liên tục giảm quy mô đầu tư và thời điểm 31/12/2022, Công ty chỉ còn đầu tư 10,6 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, Petrosetco cho biết Công ty không có kế hoạch đầu tư chứng khoán, nguồn vốn sẽ được tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối các ngành hàng chủ lực/tiềm năng của Công ty.

“Năm 2021, kết quả đầu tư chứng khoán rất tốt. Tuy nhiên, thị trường năm 2022 diễn biến rất xấu và dẫn tới thua lỗ. Điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh. Hiện Chúng tôi chưa có kế hoạch đầu tư chứng khoán trong giai đoạn sắp tới nữa. Khi thị trường tốt lên, Công ty sẽ bàn luận xem có đầu tư không", ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch Petrosetco chia sẻ về việc chưa có kế hoạch đầu tư chứng khoán trở lại sau năm thua lỗ lớn 2022.

Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Petrosetco tăng 13,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 504,3 tỷ đồng, lên 4.207,1 tỷ đồng và bằng 206% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 179,5% vốn chủ sở hữu).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/9, cổ phiếu PET giảm 900 đồng về 30.400 đồng/cổ phiếu.

Kinh doanh suy giảm, Petrosetco quay lại đầu tư chứng khoán trong quý II/2023
Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET) ghi nhận lãi 3,3 tỷ đồng trong quý II, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lãi 43 tỷ đồng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư