Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Nâng tầm hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào
Hà Nguyễn - 14/01/2023 11:02
 
Thỏa thuận hợp tác song phương Việt - Lào năm 2023 đã được ký kết, theo đó, một trong những tâm điểm là thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, tổ chức tại Thủ đô Vientiane (Lào). Ảnh: Đức Trung

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế

Kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, diễn ra ngày hôm qua (12/1/2023) tại Thủ đô Vientiane (Lào) đã đạt được các thỏa thuận quan trọng.

Kết thúc Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamchen Vongphosy, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt, đã ký Biên bản Kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt - Lào.

Hai Bộ trưởng, thay mặt Chính phủ hai nước, cũng đã ký Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2023.

Cụ thể, theo thỏa thuận, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, đưa quan hệ chính trị Việt Nam - Lào vào chiều sâu; đẩy mạnh thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh; cũng như hợp tác về giáo dục - đào tạo; các lĩnh vực khác, như y tế, pháp luật và tư pháp, công nghệ thông tin…

Đặc biệt, trong hợp tác kinh tế, nhiều thỏa thuận quan trọng đã được hai bên thống nhất thực hiện.

Liên quan lĩnh vực này, khi kiểm điểm lại tình hình hợp tác Việt - Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, mặc dù thời gian qua, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế có chuyển biến tích cực, các khó khăn, vướng mắc được phối hợp tháo gỡ kịp thời, công tác xúc tiến đầu tư - thương mại, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc được đẩy mạnh, nhưng vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Bởi vậy, hợp tác trong lĩnh vực này cần phải được tập trung thúc đẩy.

Thực tế, tại cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai bên cũng đã nhất trí tiếp tục “nâng tầm hợp tác kinh tế”. Điều này đã được hiện thực hóa ngay trong Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2023.

Theo thỏa thuận được ký kết, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô giữa hai nước; tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư; phối hợp tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư của Việt Nam và Lào.

Hai bên cũng thống nhất các biện pháp tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam - Lào và giữa 3 nền kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, nhất là kết nối thể chế, tài chính, hạ tầng giao thông - vận tải, năng lượng, viễn thông, du lịch, góp phần hỗ trợ Lào triển khai chiến lược “biến Lào từ quốc gia không tiếp giáp biển thành quốc gia kết nối”. Cùng với đó, hai bên cũng sẽ xem xét, nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Về hợp tác thương mại, hai bên phấn đấu tiếp tục thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023 từ 10 đến 15% so với năm 2022; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối cho hàng hóa Việt Nam và Lào tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững cho sản phẩm.

“Trong hợp tác lần này, chúng ta phải quan tâm đến kết nối hai nền kinh tế, cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả. Phải trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong đối phó với khủng hoảng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói và nhấn mạnh việc hợp tác thương mại chưa tương xứng, dù dư địa còn nhiều.

“Phải nghiên cứu xem sản phẩm nào Lào xuất khẩu được, nhưng chưa chế biến, thì đưa qua Việt Nam chế biến để xuất khẩu. Như vậy, cả hai bên cùng có lợi và cũng có nghĩa là đã kết nối được hai nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Gỡ vướng cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy hợp tác đầu tư

Ngay sau kết thúc Kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, hai Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt - Lào. Đây là sự kiện quan trọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Lào và là hoạt động đầy ý nghĩa, mở đầu chuỗi hoạt động hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2023.

Phát biểu tại sự kiện thu hút đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022 chứng kiến sự chuyển biến tích cực đối với một số dự án đầu tư lớn tại Lào.

“Nhiều dự án đã được cơ quan hữu quan hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, như Dự án thủy điện Xê-ca-man 3; Dự án khai thác, chế biến khoáng sản alumin của Tập đoàn Việt Phương; Dự án nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải và một số dự án khác…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục xu hướng tăng cao và bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Đặc biệt, một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào làm ăn có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2023.

Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 239 dự án, tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD và Việt Nam luôn là một trong ba nước đầu tư lớn nhất tại Lào.

Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện kết cấu hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Để thúc đẩy đầu tư, trong Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt - Lào năm 2023, hai bên cam kết tiếp tục phối hợp thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào trong giai đoạn tới. Năng lượng, chuyển đổi số, công nghệ, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch... được ưu tiên.

Thậm chí, các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Lào (như mô hình hợp tác nông nghiệp 3 bên đã triển khai tại dự án liên doanh chăn nuôi bò sữa giữa Lào - Nhật Bản và Công ty Vinamilk, tỉnh Xiêng Khoảng)... cũng sẽ được nghiên cứu, thí điểm.

Trong một thỏa thuận quan trọng khác, hai bên cũng sẽ tiếp tục phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn, như khai thác và chế biến quặng bô-xít và xây dựng nhà máy alumina tại huyện Đắk Chưng (tỉnh Sê Kông), Tổ hợp chăn nuôi bò và chế biến sữa tại tỉnh Xiêng Khoảng; tiếp tục hỗ trợ những dự án mới được phía Lào cấp phép như dự án khai thác mỏ của Cavico tại tỉnh Bolikhamxay, dự án khai thác khoáng sản sắt của Tổng công ty Hợp tác kinh tế (COECCO)... để sớm triển khai, đóng góp vào phát triển kinh tế Lào.

Phát biểu tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt - Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề nghị Chính phủ Lào tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, xem xét giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động và mở rộng dự án.

Để tạo sự đột phá trong hợp tác đầu tư với Lào trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Lào thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nhất là tại khu vực biên giới hai nước.

Trong đó, trọng tâm là thúc đẩy các dự án quy mô lớn về năng lượng tái tạo, khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu; nghiên cứu phương án đầu tư 3 bên, mời các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước tiên tiến khác cùng tham gia vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu và các dự án phát triển, kết nối hạ tầng…

“Chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp, quy mô lớn tại Lào; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm sang Lào đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, thu mua sản phẩm, chế biến tại chỗ và xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Không chỉ là đối với các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Lào, Kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào cũng đã thống nhất phải xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai một số dự án trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo phải xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án muối mỏ kali, cảng Vũng Áng, thủy điện Xê-ca-man 3, đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, sân bay Nọng-khảng…

Về viện trợ không hoàn lại, hai bên thống nhất số kinh phí viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào năm 2023 là 751,29 tỷ đồng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các dự án sử dụng vốn viện trợ nhằm đôn đốc việc thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng; điều chuyển nguồn vốn đã bố trí trong năm từ các dự án chậm tiến độ cho các dự án đạt, vượt tiến độ và có khả năng giải ngân.

Đối với các chương trình, dự án bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hai bên thống nhất giãn thời gian thực hiện (bao gồm nghiệm thu bàn giao và thanh quyết toán công trình)…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư