Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Rõ dần phương án xây dựng cầu Cần Thơ 2
Anh Minh - 27/04/2024 09:55
 
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu - “mảnh ghép” cuối cùng trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - đã có kết quả nghiên cứu tiền khả thi và được đề xuất phương án xây dựng cụ thể.
Cầu Cần Thơ 2 được đề xuất xây dựng nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng
Cầu Cần Thơ 2 được đề xuất xây dựng nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng.

Đề xuất triển khai sớm

Sau gần 1 năm nhận nhiệm vụ, cuối tuần trước, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) đã báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.

Trước đó, tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định giao PMU Mỹ Thuận tổ chức lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu với mục tiêu từng bước hoàn chỉnh đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch, tăng cường kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Vĩnh Long, TP. Cần Thơ nói riêng, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước đã đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 kết nối Vĩnh Long và TP. Cần Thơ chính là mảnh ghép lớn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông khu vực ĐBSCL khi kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần tạo sự kết nối đồng bộ, thuận lợi với các cảng biển chính, các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, cảng cạn, hệ thống logistics… khu vực ĐBSCL.

“Việc nghiên cứu sớm triển khai đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 là rất cấp thiết để đồng bộ với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã thông xe cuối năm 2023 và Dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau đang thi công, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2026”, ông Trần Văn Thi, Giám đốc PMU Mỹ Thuận nhấn mạnh.

Công trình cầu Cần Thơ 2

- Tên dự án: Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu
- Cấp quyết định chủ trương đầu tư: Quốc hội
- Cấp quyết định đầu tư : Thủ tướng Chính phủ
- Cơ quan có thẩm quyền: Bộ Giao thông - Vận tải
- Chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận
- Địa điểm thực hiện Dự án: tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ
- Tổng mức đầu tư (phương án kiến nghị): 19.782 tỷ đồng
- Thời gian thực hiện: Dự kiến khởi công năm 2026, hoàn thành năm 2029

Được biết, theo Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01) sẽ vượt sông Hậu tại cầu Cần Thơ 2 về phía hạ lưu cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5 km, quy mô quy hoạch 4 làn xe, được đầu tư trước năm 2030.

Theo đề xuất của PMU Mỹ Thuận, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 có điểm đầu kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao Chà Và, phía tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối kết nối với Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau tại nút giao IC2. Tổng chiều dài khoảng 14,65 km, trong đó phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 8,38 km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75 km; phần đường dẫn và cầu phía Cần Thơ dài 3,52 km.

Căn cứ vào các quy hoạch được duyệt, điều kiện địa hình và hiện trạng giao thông, đơn vị tư vấn đã xem xét thận trọng các phương án điểm đầu tuyến cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2.

Cụ thể, phương án 1: cơ bản giữ nguyên như quy hoạch được duyệt. Tại điểm cuối Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến đi trùng với Quốc lộ 1 khoảng 0,7 km, sau đó tuyến rẽ trái vào vị trí cầu Cần Thơ 2, đi song song về bên trái cầu đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, rồi giao với tuyến đường nối Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu.

Tuy nhiên, do phương án 1 có đoạn đi trùng Quốc lộ 1, phức tạp về tổ chức giao thông khi gom nhiều nhánh vào nút giao Chà Và, nên tư vấn nghiên cứu bổ sung phương án dịch chuyển điểm đầu tuyến về phía Vĩnh Long khoảng 1,6 km - phương án 2. Theo đó, từ điểm giao với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến rẽ trái và đi song song cách Quốc lộ 1 khoảng 0,5 - 1 km, rồi nhập vào hướng tuyến của phương án 1.

Do phương án 2 có nhiều ưu điểm hơn phương án 1, như hướng tuyến thẳng, rút ngắn khoảng 500 m so với phương án 1, hạn chế giải phóng mặt bằng và tạo không gian phát triển đô thị - công nghiệp, nên PMU Mỹ Thuận kiến nghị làm phương án lựa chọn cho hướng tuyến Dự án  cầu Cần Thơ 2.

Lựa chọn cầu dây văng

Cũng giống như cầu Cần Thơ hiện hữu, điểm nhấn quan trọng nhất tại Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 là quy mô cầu dẫn và cầu chính. PMU Mỹ Thuận đề xuất xây dựng cầu Cần Thơ 2 vượt luồng chính sông Hậu có khổ thông thuyền rộng 300 m, trong đó luồng chính rộng 160 m, cao 39 m; luồng hai bên cao 30 m; bề rộng mặt cầu đáp ứng quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe cơ giới rộng 24,75 m; dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng, sử dụng riêng cho đường bộ cao tốc.

Đồng thời, PMU Mỹ Thuận cân nhắc 2 phương án xây dựng phần cầu chính dây văng cầu Cần Thơ 2.

Phương án 1: đường sắt đi riêng, không đi chung với đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là 19.782 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 12.874 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.287 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 2.968 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.653 tỷ đồng.

Phương án 2: đường sắt đi chung đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 27.494 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 18.544 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.853 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 4.276 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.821 tỷ đồng.

Tại báo cáo gửi Bộ GTVT, PMU Mỹ Thuận kiến nghị lựa chọn phương án 1 để triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2.

“Đây là những kết quả nghiên cứu sơ bộ. Kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu sẽ tiếp tục được cập nhật sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và TP. Cần Thơ”, đại diện PMU Mỹ Thuận thông tin.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư