Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2014
Baodautu.vn - 31/12/2014 18:48
 
() Vượt lên nhiều biến cố, thách thức, năm 2014 khép lại với nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Báo Đầu tư bình chọn và giới thiệu 10 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2014.
TIN LIÊN QUAN

1. Thông qua nhiều dự luật quan trọng

Kỳ họp thứ bảy (tháng 5 - 6/2014) và Kỳ họp thứ tám (tháng 11/2014), Quốc hội khóa XIII đã thông qua tổng cộng 29 dự luật và 13 nghị quyết, trong đó có nhiều dự luật quan trọng đối với môi trường đầu tư, kinh doanh (Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở…), thể hiện nỗ lực cải cách của Chính phủ, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 là người dân được quyền kinh doanh những gì Nhà nước không cấm.

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2014
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều dự luật quan trọng đối với môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Đức Thanh

2. Một năm thành công về điều hành kinh tế vĩ mô

Năm 2014, lạm phát chỉ ở mức 1,84%, thấp nhất 15 năm qua; GDP tăng 5,98%, vượt khá xa mục tiêu kế hoạch và các dự báo; xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 150 tỷ USD.

Năm 2014 là năm đầu tiên trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, GDP vượt chỉ tiêu kế hoạch, là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu lớn (2 tỷ USD). Năm 2014 cũng là năm ghi đậm dấu ấn về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan với cách tiếp cận mới của Chính phủ.

3. Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (tháng 5/2014)

Việt Nam đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo ứng phó kịp thời, chặn đứng âm mưu kích động của đối tượng xấu, ổn định an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

4. Năm ghi dấu ấn của nhiều dự án hạ tầng quan trọng, tạo bước đột phá về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Hàng loạt dự án trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2014, như Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến đường bộ cao tốc dài nhất Việt Nam; cầu Vĩnh Thịnh, cầu vượt sông Hồng dài nhất Việt Nam; hoàn thành đồng bộ 3 công trình lớn là cầu Nhật Tân, đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân và Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...

Kết quả đó giúp năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 16 bậc, đứng vị trí 74 so với vị trí 90 năm 2012 và thứ 103 của năm 2010. Năm 2014, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với kinh phí dự kiến 18,7 tỷ USD, cũng gây chú ý với nhiều ý kiến đa chiều trong bối cảnh nợ công tăng nhanh.

5. Năm 2014 ghi nhận hoạt động đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sôi động nhất từ trước đến nay

Trong đó, một số đợt IPO lớn đã thu hút hàng ngàn tỷ đồng, như thương vụ IPO 49 triệu cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) huy động 1.093,2 tỷ đồng, đợt IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) huy động 1.216 tỷ đồng, IPO 129 triệu cổ phần của Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) thu về gần 1.580 tỷ đồng…

Đặc biệt, ngày 5/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.

6. Nhiều bước tiến trong hội nhập kinh tế 

Năm 2014, Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, đồng thời đạt được thỏa thuận về định hướng kết thúc đàm phán FTA với EU. Bên cạnh đó, Việt Nam  tham gia đàm phán 3 FTA khu vực, gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA với Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA).

7. Tiếp tục siết chặt kỷ luật thị trường trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Đáng chú ý nhất là cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ocean Bank và ông Phạm văn Hoàn, nguyên Phó tổng giám đốc Ocean Bank; hay việc tiếp tục xét xử một số vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng, như vụ “Bầu Kiên” ở ACB, hay đại án Huỳnh Thị Huyền Như…

8. Năm 2014, giá xăng trong nước giảm kỷ lục

Trong năm 2014, liên Bộ Tài chính - Công thương đã 15 lần điều chỉnh giá xăng và 21 lần điều chỉnh giá dầu. Trong đó, giá xăng đã giảm 5.330 đồng/lít (giảm 25%), giá dầu đã giảm 6.590 đồng/lít (giảm 35%) so với cùng kỳ năm 2013. Riêng ngày 22/12/2014, giá xăng đã điều chỉnh giảm 2.000 đồng/lít.

Đối với Việt Nam, việc giá xăng dầu giảm mạnh một mặt tác động tích cực đến doanh nghiệp sản xuất, song mặt khác, cũng dấy lên lo ngại hụt nguồn thu ngân sách từ việc xuất khẩu dầu thô.

9. Giải cứu thành công ngoạn mục 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (Lâm Đồng)

12 công nhân bị cô lập trong hầm sâu suốt 82 tiếng từ sáng 16/12 đã được giải cứu thành công chiều 19/12 sau nỗ lực tuyệt vời của các lực lượng cứu hộ. Sự kiện làm nức lòng hàng chục triệu dân Việt Nam và được truyền thông thế giới thán phục. Tuy nhiên, đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về việc đảm bảo an toàn lao động ở các công trình lớn tại Việt Nam.

10. Bất ngờ bùng nổ dịch vụ taxi Uber gây nhiều tranh cãi

Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 2/2014, Uber là một dịch vụ cho thuê xe hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Với mức giá thấp hơn khoảng 20% so với taxi truyền thống, dịch vụ taxi Uber đã bùng nổ tại TP.HCM, được nhiều người dân lựa chọn và sau đó, nhiều mô hình tương tự như Easytaxi, Grabtaxi cũng xuất hiện tại Hà Nội.

Uber sau đó đã gặp phải phản ứng của một số ngành chức năng và các hãng taxi truyền thống, khi cho rằng, dịch vụ này trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh và hoạt động trái pháp luật tại Việt Nam.

Đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn đang lúng túng trong việc tìm phương án quản lý và đưa dịch vụ này chính thức được hợp pháp hóa ở Việt Nam. Ứng xử hợp lý với dịch vụ taxi Uber được xem như phép thử quan trọng đối với quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư