Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
16 quốc gia thông qua Tuyên bố chung về đàm phán RCEP
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+) - 15/11/2018 10:01
 
Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán để đạt được một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngoài cùng, bên trái) cùng các Trưởng đoàn ASEAN và 6 đối tác chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngoài cùng, bên trái) cùng các Trưởng đoàn ASEAN và 6 đối tác chụp ảnh chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan, chiều 14/11, tại Singapore, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung về đàm phán RCEP, trong đó hoan nghênh tiến bộ quan trọng đạt được trong năm 2018 và khẳng định kết quả này đã đưa cuộc đàm phán đi vào giai đoạn cuối cùng.

Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán để đạt được một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong năm 2019 nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại và đầu tư trong toàn khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển trên toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những nỗ lực và kết quả mà đoàn đàm phán RCEP đã đạt được trong năm 2018 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng chống tự do thương mại đang nổi lên; cho rằng đây là thời điểm để nỗ lực kết thúc đàm phán hiệp định.

Để hướng tới kết thúc thành công đàm phán RCEP, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng các nước tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, linh hoạt phù hợp hướng tới mục tiêu chung; thúc đẩy xây dựng RCEP thực sự trở thành một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích, trong đó có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên. Thủ tướng cho rằng RCEP phải là một khuôn khổ hợp tác thúc đẩy thương mại, đầu tư, đem lại thịnh vượng chung cho toàn khu vực.

Sau hơn 5 năm, đàm phán RCEP đã được tiến hành 24 phiên chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ. Riêng trong năm 2018, các nước đã tăng cường đàm phán hướng đến mục tiêu kết thúc về cơ bản đàm phán vào cuối năm.

Đàm phán mở cửa thị trường diễn ra trong ba lĩnh vực: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng, tuy nhiên, vẫn chưa thể kết thúc do một số nước chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Giới nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản muốn hiện thực hóa sáng kiến TPP và RCEP
Với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam và Nhật Bản, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tận dụng lợi ích từ hội nhập kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư