Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
1.800 tỷ đồng cho Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm 2019 - 2030
Thế Hải - 06/07/2018 09:16
 
1.800 tỷ đồng là tổng vốn dự kiến cho Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
Dự án đề xuất của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) có tổng nhu cầu vốn 1.800 tỷ đồng.
Dự án đề xuất của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) có tổng nhu cầu vốn 1.800 tỷ đồng.

Bộ Công Thương vừa phối hợp với Tổ chức quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay, mục tiêu của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 là đạt mức tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, tương đương 50-60 triệu TOE. 

Theo đó, trọng tâm cho hợp tác giữa GIZ và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) trong những năm tới đã được xác định, chính là vấn đề nâng cao nhận thức.

Báo cáo kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 (VNEEP 1 và 2) chỉ ra, nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 - 2010, nhu cầu về điện tăng 13%/năm 2001-2010 và khoảng 11% trong giai đoạn 2011 - 2015. Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 83% và 86% vào năm 2020 và 2030.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho rằng, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than cho phát điện và sẽ nhập khẩu LPG từ năm 2023.

Dự kiến, Dự án đề xuất của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3) có tổng nhu cầu vốn 1.800 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương 600 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 600 tỷ đồng, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài 500 tỷ đồng, nguồn vốn khác 100 tỷ đồng.

Dự thảo VNEEP 3 được xây dựng trên cơ sở tiếp tục phát huy những thành công và khắc phục những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai  VNEEP 1 và 2; đồng thời tham khảo các chương trình tiết kiệm năng lượng đã và đang triển khai của các nước trên thế giới và trong khu vực (các nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ...).

Các nội dung trong khuôn khổ VNEEP 3 được thiết kế theo hướng chuyển các hoạt động tiết kiệm năng lượng từ tự nguyện sang bắt buộc và tăng cường tính thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Trước đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015 đã được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc và đạt được mục tiêu đề ra. Từ sau năm 2015, nhiều địa phương đã xây dựng được Chương trình Sử dụng năng lượng trên địa bàn.

Đại diện các Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính Phủ ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 để các địa phương có căn cứ triển khai trong thời gian tới. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hội nghị nhằm đánh giá trao đổi kinh nghiệm thực hiện các chương trình giữa các địa phương, tăng cường khả năng liên kết vùng, tăng hiệu quả tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững.

Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Gần 160 triệu USD cho dự án tiết kiệm năng lượng công nghiệp tại Việt Nam
Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp tại Việt Nam có tổng kinh phí 158 triệu USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư