Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
25 năm nữa, năng suất lao động Việt Nam mới bằng Thái Lan
Mạnh Bôn - 20/11/2015 08:27
 
Theo ông Đậu Ngọc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp (Tổng cục Thống kê), năng suất lao động của Việt Nam có khoảng cách khá lớn so với các nước ASEAN 6, mặc dù khoảng cách này đang được thu hẹp dần, nhưng tốc độ thấp, phải 25 năm nữa mới bằng Thái Lan hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, năng suất lao động của nước ta thời gian qua được cải thiện đáng kể. Ông đánh giá thế nào?

Tổng cục Thống kê vừa có Báo cáo nghiên cứu về năng suất lao động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năng suất lao động của nước ta thời gian qua đã có sự cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm. Năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2014 theo giá hiện hành đạt 74,7 triệu đồng/lao động (tương đương 3.530 USD).

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động năm 2014 tăng 4,9% so với năm 2013, còn bình quân giai đoạn 2005 - 2014 tăng 3,7%/năm. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động của Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển kinh tế cao hơn (ASEAN 6) được thu hẹp dần. Nếu năm 1994, năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần năng suất lao động của Việt Nam (tính theo sức mua tương đương năm 2005) thì đến năm 2013, khoảng cách này chỉ còn gấp 18 lần. Tương tự, khoảng cách giữa năng suất lao động của Malaysia và Việt Nam giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; Thái Lan từ 4,6 lần xuống 2,7 lần; Philippines từ 3,1 lần xuống 1,8 lần; Indonesia từ 2,9 lần xuống còn 1,8 lần.

.
Ông Đậu Ngọc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp (Tổng cục Thống kê)

 

Về tương đối, khoảng cách năng suất lao động giữa nước ta và ASEAN đang giảm dần, còn về số tuyệt đối, tức là chênh lệch về mức năng suất lao động thì sao, thưa ông?

Về khoảng cách tương đối thì năng suất lao động của Việt Nam đang rút ngắn so với khu vực, nhưng về khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch GDP trên mỗi lao động) của nước ta với phần lớn các nước trong ASEAN 6 lại gia tăng trong giai đoạn trên, ngoại trừ Brunei và Philippines. Tính theo sức mua tương đương năm 2005, chênh lệch giữa năng suất lao động của Singapore và Việt Nam tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD năm 2013; tương tự, của Malaysia từ 21.142 USD lên 30.311 USD; Thái Lan từ 7.922 USD lên 9.314 USD; Indonesia từ 4.104 USD lên 4.408 USD (năng suất lao động của Việt Nam năm 1994 là 2.203 USD; ước tính năm 2013 đạt 5.440 USD).

Điều này cho thấy, tuy năng suất lao động của Việt Nam đã tăng trưởng, giúp thu hẹp khoảng cách tương đối nhưng vẫn chưa đủ để giảm khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động với các nước.

Tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp vẫn ở mức cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp có phải là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến năng suất lao động của nước ta thấp so với ASEAN?

Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua. Mặc dù tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm dần do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, song hiện vẫn còn lớn (năm 2014 chiếm 46,3% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế) và cao hơn so với các nước trong khu vực (tỷ lệ này năm 2012 của Malaysia là 12,6%; Thái Lan là 39,6%, Philippines là 32,2% và Indonesia là 35,1%). Phần lớn lao động làm việc trong khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp (có tới trên 46% lao động của cả nước nhưng chỉ tạo ra khoảng 18% GDP).

Chất lượng của nguồn nhân lực được thể hiện thông qua trình độ chuyên môn kỹ thuật, cụ thể là kiến thức và kỹ năng của người lao động. Năm 2014, cả nước có 9,6 triệu người được đào tạo (có văn bằng hoặc chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo) trong tổng số 52,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên có việc làm, chiếm 18,2%. Như vậy, có tới 81,8% tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Cơ cấu nguồn nhân lực cũng chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Nhân lực được đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp.

Năng suất lao động thấp còn có nguyên nhân nào khác nữa, thưa ông?

Theo tôi, còn có nguyên nhân là máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu. Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam chủ yếu là sử dụng công nghệ thấp và trung bình. Năm 2012, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp sản xuất các sản phẩm thuộc công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88%, công nghệ cao (theo phân loại của OECD và UNIDO) chỉ chiếm 12%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, nên năng suất lao động, cũng như tốc độ tăng năng suất lao động không cao, chỉ đạt khoảng 90,2 triệu đồng/lao động/năm.

Nếu duy trì tốc độ tăng năng suất lao động như thời gian vừa qua thì bao nhiêu năm nữa năng suất lao động của nước ta mới bằng các nước trong khu vực?

Với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hàng năm khoảng 4% như trong giai đoạn 2011 - 2015, thì phải sau khoảng 15 năm mới bằng Philippines hiện nay, 25 năm mới bằng Thái Lan hiện nay.

Năng suất hiệu quả - tương lai cho năng lượng việt nam
“Kinh tế không thể tồn tại nếu không có năng suất”. Câu nói của cựu Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli chưa khi nào đúng hơn trong bối cảnh năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư