Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
29,5 triệu USD hỗ trợ người dân 7 tỉnh ven biển chống chịu biến đổi khí hậu
Hải Hà - 24/11/2017 18:18
 
Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ tổn thương ven biển Việt Nam” (dự án CFG) đã chính thức được khởi động sáng nay (24/11), tại Hà Nội.
.
Xây nhà có khả năng chống chịu bão lũ, trồng rừng và nâng cao truyền thông là 3 nội dung được kỳ vọng sẽ giúp người dân 7 tỉnh ven biển có thể chống chọi với những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Theo đó, dự án này sẽ giúp cộng đồng người dân ven biển 7 tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và Cà Mau có thêm tiềm lực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ bản thân và tăng cường sự chống chịu.

Mục tiêu cụ thể dự án đặt ra là xây dựng 4.000 ngôi nhà tại các địa điểm an toàn có thiết kế chống chịu được bão lụt; trồng tái sinh 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển làm vùng đệm chắn triều cường và sóng biển dâng, tăng cường khả năng của các khu vực tư nhân và công cộng tiếp cận với những dữ liệu về mất mát, thiệt hại, khí hậu tại 28 tỉnh duyên hải ở Việt Nam.

Nguồn vốn để thực hiện dự án này là 29,5 triệu USD do quỹ Quỹ Khí hậu Xanh thông qua UNDP tài trợ và được thực hiện trong 5 năm (2017 - 2022).

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Mặc dù kinh phí thực hiện dự án không nhiều chỉ xấp xỉ 30 triệu USD cho 7 địa phương ven biển nhưng nội dung dự án đã đi vào những vấn đề cốt lõi như xây nhà cho người nghèo; phát triển 4.000 ha rừng ngập mặn và nâng cấp hệ thống truyền thông cho người dân cũng như hệ thống tiếp nhận từ cộng đồng người dân tới các cơ quan trung ương nhằm hỗ trợ việc ra quyết định kịp thời trong giải quyết, ứng phó khẩn cấp. Dự án này sau quá trình thực hiện sẽ tạo mô hình tốt để các địa phương khác thực hiện qua những nguồn quỹ khác nhau”.

Là một trong 7 tỉnh được hưởng lợi từ dự án, ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đặt kỳ vọng, dự án sẽ giúp tỉnh có thể lồng ghép vào quy hoạch, đầu tư mô hình lồng ghép nhằm giúp người dân có cuộc sống ổn định, đặc biệt là tăng khả năng thích ứng hơn với biến đổi khí hậu.

Những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cũng được ông Ngân lấy ví dụ qua cơn bão số 10 vừa qua, mặc dù đổ bộ vào Quảng Bình chỉ trong 8 tiếng nhưng cơn bão này đã gây thiệt hại nặng nề về giao thông, trường học, mạng lưới điện, rừng trồng cao su…với tổng thiệt hại trên 7.000 tỷ.

Tại hội thảo khởi động, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP nhấn mạnh, cơn bão số 12 (Damrey) đã khiến 100 người thiệt mạng, phá hủy hơn 3000 căn nhà và đe dọa tính mạng của hơn 4 triệu người dân, chủ yếu là người dân ven biển Việt Nam. Đây là lý do khiến dự án đặt trọng tâm ưu tiên là tiếp cận tích hợp, lấy người dân làm trung tâm để tăng cường sức chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, theo ông Hoài, để có hệ thống tăng cường sự chống chịu bền vững thì ngoài việc thực hiện các dự án thí điểm như dự án CFG thì một số vấn đề cần phải được giải quyết triệt để, đặc biệt cần sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương khi trên thực tế vẫn còn tình trạng người dân ở và xây nhà không có quy hoạch tại các khu vực sạt lở, san lấp vùng trũng làm nhà như ở đồng bằng Sông Cửu Long hay những tệ nạn khác như khai thác cát sỏi gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.

Quảng Bình: Xem xét đưa Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới vào kế hoạch vốn trung hạn
Ban Quản Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới (BQL Dự án) đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình sớm có kế hoạch xem xét...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư