Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
3 bộ, 6 tỉnh hợp lực xây dựng tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa
Hà Nguyễn - 28/03/2017 20:28
 
Một cuộc họp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng đã diễn ra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 28/3/2017, với sự có mặt của 3 vị Bộ trưởng và lãnh đạo của 6 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Tất cả đã cùng ngồi lại với nhau để thảo luận việc triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường có ý nghĩa sống còn trong việc đẩy mạnh liên kết vùng và tạo ra sự đột phá trong phát triển của các tỉnh trong vùng.

Cuộc họp đặc biệt

Sáng 28/3/2017, một cuộc họp đặc biệt đã diễn ra tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư để họp bàn về việc triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa. Nói là đặc biệt là bởi có sự góp mặt của ba vị Bộ trưởng, gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Xây dựng và lãnh đạo gồm Bí thư và Chủ tịch UBND của 6 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa).

Phát biểu trong cuộc họp sau khi các đại biểu tham luận về thực trạng, nhu cầu, đánh giá tác động của tuyến đường tới sự phát triển của vùng và từng địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Qua khảo sát thực địa, tôi cho rằng tuyến đường này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giữa các tỉnh trong vùng. Một điều rất dễ nhận ra là, 6 tỉnh, thành phố đều là các địa phương năng động, rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhưng chưa kết nối được với nhau. Nếu không có tuyến đường này thì tiềm năng ở các khu vực ven biển của các địa phương vẫn mãi chỉ là tiềm năng mà không thể khai thác được. Mặt khác, tuyến đường sẽ là chất xúc tác quan trọng để phát huy hiệu quả nhưng công trình hạ tầng lớn, cửa ngõ của đất nước như Cảng Lạch Huyện, Sân bay Cát Bi của Hải Phòng, các khu du lịch lớn của quốc gia như Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà...”.

Tuy nhiên, có một thực tế là, tuyến đường đã có chủ trương đầu tư từ lâu nhưng chưa triển khai đồng bộ được, một số đoạn đã được làm, một số đoạn trùng với quy hoạch đường cao tốc, và nhất là khả năng đấu nối giữa các tuyến của từng địa phương gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cuộc họp với sự thống nhất cao giữa các địa phương cùng với hai bộ quan trọng là Giao thông - Vận tải và Xây dựng về hướng, tuyến cũng như thiết kế của từng tuyến đường phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, cùng với sự điều phối hiệu quả của vai trò điều phối vùng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là vô cùng cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì cuộc họp bàn về phát triển tuyến đường bộ ven biển
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chủ trì cuộc họp bàn về phát triển tuyến đường bộ ven biển

“Chúng tôi đã nhận được kế hoạch đầu tư của cả 6 tỉnh, nhưng mỗi tỉnh lại có những đề xuất khác nhau về quy mô, hướng tuyến, cơ chế cũng như nguồn vốn thực hiện. Trong khi đó, phải thống nhất được hướng tuyến, quy mô và quan trọng là đấu nối được với nhau, đồng bộ với nhau thì mới phát huy được hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cuộc họp ngày hôm nay là một sự kiện có ý nghĩa “lịch sử” của toàn vùng và của cả đất nước, bởi các Bộ và các địa phương đã ngồi lại được với nhau, đồng tâm hiệp lực để xây dựng một tuyến đường đã có chủ trương từ lâu mà chưa thực hiện được một cách đồng bộ.

“Hy vọng trong vòng 3 - 4 năm tới, chúng ta sẽ xây dựng xong con đường này và tạo sự bứt phá cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, kết nối được liên vùng, với các bến cảng, sân bay ở Hải Phòng, Quảng Ninh tới các địa phương khác, giảm tải được cho Hà Nội và mở ra một không gian phát triển mới cho toàn vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng, đây là một cách làm mới trong liên kết vùng. “Thực ra thì hàng năm, lãnh đạo các địa phương vẫn ngồi lại với nhau để bàn cách liên kết, nhưng đây là lần đầu tiên có một cuộc họp do ba Bộ trưởng chủ trì, để bàn cách phát triển tuyến đường này, tạo thuận lợi cho kết nối liên vùng”, ông Thành nói.

Hợp lực để xây dựng tuyến đường ven biển

Thực tế thì từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam. Và tới tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, thì UBND các tỉnh, thành phố nêu trên phải phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lập, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với các đoạn tuyến trên địa bàn, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với quy hoạch tuyến đường bộ ven biển, thì tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cuộc họp ngày hôm nay là một sự kiện có ý nghĩa “lịch sử” của toàn vùng và của cả đất nước, bởi các Bộ và các địa phương đã ngồi lại được với nhau, đồng tâm hiệp lực để xây dựng một tuyến đường đã có chủ trương từ lâu mà chưa thực hiện được một cách đồng bộ.

Sau hai quy hoạch này, các địa phương bắt đầu đề xuất kế hoạch xây dựng các đoạn tuyến trên địa phương mình. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nên có địa phương muốn tập trung phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trước, có địa phương - ví như Thanh Hóa - lại muốn tập trung nhiều hơn cho tuyến đường bộ ven biển để khai thác tiềm năng địa phương. Các yếu tố này khiến cho các địa phương lúng túng trong việc quyết định đầu tư tuyến đường nào, cao tốc hay ven biển trước, và các kế hoạch đấu nối ra sao.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay cần phải xem lại, nếu cần thiết thì phải thay đổi, kể cả về tầm nhìn, tư duy phát triển.

“Chúng ta không thể chỉ dựa vào nguồn lực hiện tại để thiết kế hệ thống giao thông, mà phải nghĩ rộng hơn đến toàn vùng, đến cả nước, về một không gian phát triển mới để bố trí hạ tầng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, đúng là ở thời điểm hiện tại, chưa có nguồn lực thì có thể tạm dừng lại việc đấu nối liên kết ở các cửa sông (do phải làm cầu lớn, chi phí lớn - PV), nhưng về lâu dài thì phải làm, có nguồn lực là phải làm ngay.

“Nếu vẫn cứ làm theo lối mòn cũ, tiền đến đâu tư duy phát triển đến đó là rất nguy hiểm. Chúng ta phải có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn. Đúng là mỗi tỉnh đều có nhu cầu khác nhau, nhưng mà chúng ta phải có cái nhìn toàn cục, toàn diện, toàn tuyến đường, thì sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn là chỉ nghĩ đến lợi ích của từng địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo mục tiêu đề ra, tuyến đường này sẽ được hoàn thành trước năm 2020, để thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Lộ diện chuỗi đô thị du lịch ven biển miền Trung
Lợi thế sở hữu bãi biển trải dài, gắn liền với các di sản văn hóa đã mở ra triển vọng lớn hình thành chuỗi đô thị du lịch ven biển dọc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư