Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
3 cổ phiếu cần qua tâm ngày 14/1
TL - 14/01/2015 07:00
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/1 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Phiên 13/1: Dòng tiền nóng tạo sóng tại OGC
MWG và VNPT bán hàng chéo cho nhau
Thông tư 36 lại nóng trước giờ G

1. NKG: Khuyến nghị MUA MẠNH

CTCK BIDV (BSC)

NKG, cổ phiếu cần quan tâm

Chúng tôi khuyến nghị MUA MẠNH trung và dài hạn cổ phiếu của CTCP Thép Nam Kim (NKG - HOSE) với mức giá mục tiêu kỳ vọng 1 năm là 19.105 đồng/CP, tăng 40,47% so với mức giá ngày 28/11/2014 dựa trên phương pháp định giá FCFF và so sánh PE. Với EPS 2014 được dự báo là 2.009 đồng, cổ phiếu NKG đang được giao dịch với PE forward 6,77x, thấp hơn khá nhiều so với PE của HSG hiện là 14,69x và VN-Index hiện là 13,87x.

NKG là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và phân phối các sản phẩm Tôn mạ, Ống thép mạ. Doanh nghiệp thực sự chuyển mình bắt đầu từ năm 2012 khi lần lượt đưa vào vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất theo chuỗi khép kín, qua đó giúp đẩy mạnh thị phần tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận. NKG có chiến lược phát triển thị trường song song, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu nhưng vẫn bám sát thị trường nội địa.

Chúng tôi dự báo NKG sẽ có những bước tiến mới trong thời gian tới với doanh thu, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng trưởng tốt do:

(1) Tốc độ tăng trưởng nhanh: từ mức thị phần ống thép chỉ chiếm 0,1% và thị phần tôn mạ chỉ chiếm 5,9% thời điểm 10T2012 (trước khi hoàn thành chuỗi sản xuất khép kín) đã vươn lên mức 4,3% và 12,5% 10T2014, đứng vị trí thứ 2 về tiêu thụ tôn mạ và nằm trong top 10 về tiêu thụ ống thép

(2) Từ năm 2015, chủ động hoàn toàn thép cán nguội cho sản xuất. Dự kiến NKG sẽ đưa vào hoạt động thêm 01 dây chuyền cán nguội mới từ tháng 1/2015, sau đó dây chuyền mạ lạnh (sản phẩm có biên lợi nhuận cao nhất) cũng sẽ được vận hành từ tháng 5, qua đó giúp NKG tăng sản lượng tiêu thụ và tiết giảm chi phí sản xuất do không phải tiếp tục mua thép cán nguội từ nhà cung cấp khác trong nước.

Dự báo doanh thu thuần 2014 sẽ đạt 5.887,77 tỷ đồng (+26,25% so với năm trước); lợi nhuận sau thuế đạt 80,16 tỷ đồng (~EPS 2.009 đồng/CP). Chúng tôi cũng dự báo lợ nhuận sau thuế 2015 sẽ đạt 117 tỷ đồng nhờ việc đưa 2 dây chuyền mới vào hoạt động (~ EPS 2.934 đồng/CP).

2. JVC: Doanh thu quý IV/2014 sẽ tiếp tục khả quan

CTCK MB (MBS)

CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) hoạt động kinh doanh trên 3 mảng chính là cung cấp thiết bị y tế (các máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp CT, máy siêu âm), cung cấp các linh kiện vật tư phục vụ công tác xét nghiệm và hoạt động đầu tư liên kết với các bệnh viện theo hình thức góp máy móc.

Trong đó, mảng cung cấp thiết bị y tế chiếm 60% doanh thu của Công ty và mảng cung cấp các linh kiện vật tư y tế chiếm 25% doanh thu của Công ty.

Trong năm 2013, hoạt động kinh doanh của Công ty bị suy giảm do nhiều bệnh viện tạm dừng các dự án đầu tư thiết bị mới. Sang đến năm 2014, hoạt động kinh doanh của JVC khởi sắc trở lại khi các dự án cũ được khôi phục. Cụ thể, khoảng 70 tỷ đồng lợi nhuận trong số 107 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2014 đến từ các dự án của năm 2013.

Dự kiến doanh thu và lợi nhuận quý IV/2014 của JVC vẫn tiếp tục khả quan nhờ mảng cung cấp thiết bị y tế ổn định và mảng cung cấp linh kiện, vật tư phục vụ công tác xét nghiệm tăng mạnh trong các tháng cuối năm.

Trong thời gian tới, JVC sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực chính là mua sắm thiết bị khám sức khỏe lưu động, liên kết thiết bị y tế tại các bệnh viện, trung tâm kỹ thuật cao tại các bệnh viện và tổng thầu vật tư tiêu hao.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của JVC đạt mức 192 tỷ đồng, tương đương với mức EPS đạt 1.700 đồng.

3. SFI: Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng logistics sẽ cải thiện

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Nằm trong tốp những doanh nghiệp logistics nội địa hàng đầu, CTCP Đại lý vận tải SAFI (SFI) hoạt động trong 03 lĩnh vực chính: (1) đại lý giao nhận vận tải, (2) kho vận (kho bãi và vận tải) và (3) đại lý tàu biển với EPS luôn duy trì ở mức ~ 3.500 đồng/CP trong liên tục nhiều năm qua.

Hiện tại, dịch vụ đại lý giao nhận là mảng hoạt động chiếm tỷ trọng lớn (~25 %) trong cơ cấu doanh thu thuần của SFI. Doanh thu của mảng này vốn phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc sở hữu thương hiệu uy tín lâu năm, đội ngũ bán hàng kinh nghiệm và hệ thống đại lý lớn ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới giúp SFI ký kết được nhiều hợp đồng giao nhận dài hạn và duy trì lượng đơn hàng đều đặn trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Mặt khác, một trong những mối quan ngại lớn đối với ngành logistics Việt Nam nói chung và SFI nói riêng là sự sự gia nhập của các công ty giao nhận nước ngoài (Fedex, DHL, Schenker…). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, điều này chưa có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của SFI do những công ty logistics nước ngoài chủ yếu phục vụ những đơn hàng được chỉ định sẵn của các doanh nghiệp FDI lớn và tập đoàn toàn cầu như LG, Samsung…. Trong khi đó, phân khúc hoạt động chính của SFI là những khách hàng công nghiệp và bán lẻ quy mô trung bình và nhỏ vốn đem lại biên lợi nhuận gộp tốt hơn (~20% nếu thực hiện đầy đủ các dịch vụ).

Tuy nhiên, nhận định nhóm FDI là những khách hàng rất tiềm năng nhờ quy mô xuất nhập khẩu lớn, SFI cũng đang thâm nhập vào phân khúc này qua việc làm đại lý giao nhận cho một số hãng dệt may, xe ô tô và bán lẻ như Nike, Toyota, Nissan, Aeon… và nâng cao chất lượng dịch vụ để trở thành đại lý cấp 2 của các công ty logistics nước ngoài.

Chúng tôi nhận thấy giữa HMH và SFI có nhiều điểm tương đồng trong hoạt động kinh doanh và kế hoạch phát triển 2015. Tháng 9 vừa qua, SFI đã thoái vốn theo lộ trình khỏi liên doanh với hãng tàu Yusen (Nhật Bản) thu về khoảng tiền mặt lên đến 109 tỷ đồng. Đây là yếu tố khiến chúng tôi quan ngại do liên doanh này hoạt động rất hiệu quả và đóng góp khá lớn vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất của SFI (~40% trong năm 2013). Hiện SFI đã có kế hoạch bù đắp khoản lợi nhuận bị sụt giảm này bằng việc đầu tư nâng diện tích cho thuê kho cũng như tìm mua lại các công ty kho vận nhỏ trong ngành nhằm mở rộng khả năng cung ứng dịch vụ.

Trong năm 2015, Công ty dự kiến đầu tư khoảng 4-5 tỷ đồng nâng tổng kho khai thác lên 11.000 m2 song song với việc sàng lọc lại khách hàng nhằm cải thiện biên lợi nhuận gộp cho dịch vụ này. Để tăng năng lực chuyên chở, SFI cũng có kế hoạch đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để mua thêm 5-10 xe đầu kéo.

Tương tự như HMH, mảng logistics (chiếm ~50% cơ cấu doanh thu thuần) của SFI sẽ hưởng lợi từ việc giá xăng dầu giảm mạnh (dầu Diesel giảm ~25% từ đầu năm 2014). Đặc biệt, do thường chở những mặt hàng nhẹ (dệt may, da giày, linh kiện…), nên SFI hầu như không bị ảnh hưởng bởi quy định siết chặt tải trọng.

Với giá cước vận chuyển đang ở mức rất cạnh tranh và khó có thể giảm thêm, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp cho hoạt động logistics của SFI sẽ có sự cải thiện tích cực trong năm nay.

Nhìn chung, với sự tăng trưởng chung của ngành và nhiều yếu tố thuận lợi khác, triển vọng của SFI cũng như các doanh nghiệp logistics nội địa trong năm 2015 là khá tích cực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy chiến lược thâm nhập từng bước vào khu vực FDI là một bước đi khá đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của toàn ngành. Tuy nhiên, xét về cơ sơ vật chất, SFI hiện vẫn là một đối thủ khá nhỏ trong ngành. Nếu có thể năng động hơn trong việc đầu tư mở rộng, SFI mới có thể sẵn sàng về năng lực cung ứng dịch vụ khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại lớn như TPP và các hiệp định FTA.

Những doanh nghiệp có nguy cơ hủy niêm yết

Năm 2014, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh với mức lỗ vượt vốn điều lệ thực góp, thời gian tới sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm. Không ít doanh nghiệp khác thua lỗ trong 2 năm trước đó, cổ đông đang hồi hộp chờ công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2014.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư