Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
3 cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/12
Thanh Thuý - 24/12/2014 07:00
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/12 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vì sao Nội Bài Cargo niêm yết khi TTCK lao dốc
Cổ phiếu bất động sản đang lấy lại sức hút
Tiền vào bắt đáy nhóm dầu khí

1. PPC: Đột biến kết quả kinh doanh vào cuối năm

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Nghị Quyết HĐQT ngày 19/12/2014 của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC:HSX) đã thông qua việc giãn thời gian trích khấu hao Nhà Máy Nhiệt điện Phả Lại 2 từ mức hiện tại là 2 năm thành 10 năm. Vấn đề này cũng đã được VDSC phân tích và khuyến nghị nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu PPC.

Trong hai nhà máy nhiệt điện của PPC, Nhà máy Phả Lại 1 đã hết khấu hao; nhà máy Phả Lại 2 dự kiến sẽ khấu hao hoàn toàn giữa năm 2016. Tuy nhiên, với việc kéo dài thời gian trích khấu hao theo quyết định nói trên, thì thời gian khấu hao của Nhà máy Phả Lại 2 sẽ được kéo dài thêm 10 năm, tính từ năm nay. Dựa trên giá trị TSCĐ cuối năm 2013, chúng tôi ước tính nếu giãn thời gian trích khấu hao thêm 10 năm thì chi phí khấu hao mỗi năm khoảng 152 tỷ đồng so với thời gian khấu hao cũ là hơn 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối quý III/2014, PPC thực tế đã trích khấu hao TSCĐ khoảng 521 tỷ đồng, cao hơn mức khấu hao lẽ ra sẽ trích cho năm 2014 theo phương pháp mới. Vì vậy, PPC sẽ hoàn nhập khoản chi phí này trong quý IV/2014, do đó lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng thêm nhờ việc hoàn nhập này vào khoảng 370 tỷ đồng. Điều này sẽ đem lại sự đột biến trong lợi nhuận sau thuế của PPC trong quý cuối năm 2014.

Như vậy, khả năng KQKD quý IV/2014 của PPC sẽ có đột biến nhờ (1) Hoàn nhập ~370 tỷ đồng chi phí khấu hao đã trích trong 9 tháng đầu năm 2014 và (2) Lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện ước tính vào khoảng 375 tỷ đồng. Dự báo sản lượng điện bán cho EVN năm 2014 đạt 5,6 tỷ kWh, tổng doanh thu theo đó đạt 7.849 tỷ đồng. Nếu tính cả khoản lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và hoàn nhập chi phí khấu hao thì lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt hơn 1.486 tỷ đồng và 1.195,6 tỷ đồng, tương đương với EPS 3.758 đồng/CP. Tuy nhiên, nếu loại trừ tác động của hai yếu tố bất thường trên thì EPS của PPC sẽ vào khoảng 2.277 đồng, tương ứng PE 11,8x/lần (giá cuối ngày 22/12/2014). 

Với việc giãn thời khấu hao còn lại của Nhà máy Phả Lại 2 lên 10 năm từ 2 năm và hoàn nhập chi phí khấu hao đã trích, lợi nhuận quý IV/2014 của PPC sẽ có sự đột biến trong khi lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 và 2015 sẽ cao hơn so với việc không thay đổi thời gian khấu hao TSCĐ.

Tuy vậy, chuyên viên ngành của chúng tôi vẫn lo ngại về khả năng sinh lời của Nhà máy Phả Lại 2 kể từ năm 2016 do giá mua điện của EVN đối với Nhà máy Phả Lại 2 đã được cố định ở mức 1.233 đồng/kwh trong 18 năm trong khi vẫn còn tiếp tục phải khấu hao (lẽ ra đã được trích hết trong 2014 - 2016) và chi phí mua than trong các năm tới có thể sẽ tiếp tục bị điều chỉnh tăng lên theo giá thị trường.

Mặc khác, dù tỷ giá VND/JPY đang giảm nhanh, NĐT quan tâm cổ phiếu PPC cũng không nên kỳ vọng nhiều vào khoản lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại khoản vay bằng JPY của PPC vì khoản này vốn không tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp và do đó không được dùng để chia cổ tức nhưng ngược lại còn làm tăng số thuế TNDN mà Công ty phải nộp và làm giảm lợi nhuận còn lại cho cổ đông.

PPC: Cổ phiếu hấp dẫn với PE dự phóng 6,2x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Cũng từ Nghị quyết HĐQT vừa công bố và việc hưởng lợi đáng kể từ đồng Yên yếu đi, MBKE cũng đã có khuyến nghị đối với cổ phiếu PPC.

Với giả định sản lượng điện thương phẩm cả năm đạt 5.630 triệu kWh, xấp xỉ năm trước và giá bán điện bình quân đạt 1.305 đồng/kWh, tăng 11% so với năm trước, doanh thu từ SXKD điện ước tính cả năm đạt 7.350 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 1.390 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái (chủ yếu do lãi tỷ giá thấp hơn năm trước). EPS 2014 ước tính đạt 4.369 đồng/kWh. Cổ phiếu PPC đang giao dịch với P/E dự phóng 6,2x, mức định giá hấp dẫn so với trung bình ngành.

Ngoài ra, HĐQT công ty cũng đã quyết định tạm ứng cổ tức bằng tiền cho năm 2014 với tỷ lệ 800 đồng/CP. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày thứ Hai tuần sau, 29/12/2014 và ngày thực hiện chi trả là ngày 15/1/2015. Theo chúng tôi, với lợi nhuận và dòng tiền từ SXKD điện ổn định hơn khi thực hiện giá bán điện mới và kéo dài thời gian khấu hao, tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt trong các năm tới có khả năng duy trì ổn định ở mức 1.000 - 1.500 đồng/CP.

2. HVG: Khuyến nghị mua vào

CTCK Sài Gòn (SSI)

 

Giá cổ phiếu của CTCP Hùng Vương (HVG - sàn HOSE) giảm bốn phiên giao dịch liên tiếp, từ 30.200 đồng/cổ phiếu xuống còn 24.900 đồng/cổ phiếu (-17.5%) do những lo ngại về thị trường Nga và đồng RUB suy yếu.

Chúng tôi cho rằng thị trường đã phản ứng quá mức trước tác động từ đồng RUB suy yếu lên HVG. Với P/E mục tiêu 8x, giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu HVG là 31.300 đồng/cổ phiếu, tăng 25,7% so với mức giá hiện tại 24.900 đồng. Trái với sự bi quan của đa số nhà đầu tư, chúng tôi tin rằng đây là một cơ hội tốt để mua HVG. Tuy nhiên, rủi ro từ nợ xấu cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

3. VSH: Lợi nhuận năm 2015 sẽ tăng trưởng mạnh

CTCK MB (MBS)

HĐQT CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) vừa thống nhất sẽ chi trả cổ tức năm 2013 tỷ lệ 10% và 2014 tỷ lệ 5% (nếu Công ty đủ nguồn tiền). Bên cạnh đó VSH cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2015 trong quý I/2015. Thời gian chốt quyền trả cổ tức và tổ chức Đại hội dự kiến vào tháng I/2015.

Hội đồng quản trị của VSH đã thống nhất phê duyệt giá mua bán điện giữa công ty và EVN các năm 2010 - 2013 và năm 2014 trở đi. Theo đó giá mua bán điện giữa VSH và EVN (chưa bao gồm thuế VAT, thuế tài nguyên và thuế môi trường) trong các năm từ 2014 trở đi là 333,37 đồng/Kwh đối với nhà máy Vĩnh Sơn và 461,82 đồng/Kwh đối với nhà máy Sông Hinh. Mức giá bán điện trên thực sự là khá thấp so với mức giá bán điện của nhiều nhà máy thủy điện khác tại khu vực phía Nam và đã gây thất vọng cho các nhà đầu tư.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu của VSH đạt mức 210 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 94 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ.

Chúng tôi không đánh giá cao triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VSH trong năm 2015 khi mức giá bán điện được duy trì ở mức thấp và nhà máy thủy điện Thượng Kom Tum của Công ty chưa thể đi vào hoạt động.

Mong dòng tiền lớn thức giấc

Sau một vài phiên chững lại tại mốc 550 điểm, những tưởng áp lực bán đã giảm bớt, tuy nhiên thị trường đột ngột giảm mạnh trong 2 phiên liên tiếp đã đẩy cả hai chỉ số giảm xuống mức thấp và gần như quay trở lại vạch xuất phát đầu năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư