Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
300 doanh nghiệp dân doanh gặp Thủ tướng Chính phủ
Khánh An - 25/04/2014 06:54
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều ý kiến doanh nghiệp gửi tới Cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 28/4 tại Hà Nội, đề nghị thiết lập bộ phận giám sát tiến độ, hiệu quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ đưa ra trong các chương trình hành động.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là "biểu tượng lãnh đạo châu Á"
Vì sao "em út" TPBank được Thủ tướng khen?
Thủ tướng: "Chúng tôi có niềm tin ổn định kinh tế"

Cơ cấu doanh nghiệp tham gia cuộc gặp này như thế nào, thưa ông?

Sẽ có khoảng 500 đại biểu, trong đó 300 doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 20 doanh nghiệp nhà nước. Còn lại là đại diện các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp.

  300 doanh nghiệp dân doanh gặp Thủ tướng Chính phủ  
  Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  

Với cơ cấu như vậy, có thể thấy sự tham gia đông đảo của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, thưa ông?

Đúng vậy. Cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 phát đi thông điệp rằng, khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước đang là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đây cũng là khu vực gặp nhiều khó khăn hơn cả trong bối cảnh nền kinh tế dù có một vài dấu hiệu vĩ mô tích cực, song vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro hiện nay.

Trong Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 vừa được VCCI công bố, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng nhỏ đi về cả quy mô và công nghệ. Thực tế đó đòi hỏi một chương trình hành động cụ thể để tái khởi động khu vực doanh nghiệp này.

Cũng phải nói thêm, chất lượng và năng lực hoạt động của khu vực doanh nghiệp dân doanh là nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp dân tộc, cũng như trong kế hoạch dịch chuyển dòng vốn FDI vào những lĩnh vực, ngành nghề mà nền kinh tế đang cần, để FDI không trở thành ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam…

Cùng với đó, những thách thức và cơ hội từ hội nhập quốc tế, tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiếp tục đòi hỏi sự cải thiện mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp dân doanh, để doanh nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam thực sự hưởng lợi từ quá trình này.

Nhìn từ nhiều góc độ khác nhau để thấy rằng, vực dậy, khởi động doanh nghiệp tư nhân trong nước là vô cùng quan trọng, thậm chí là vấn đề sống còn của nền kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, từ đầu năm đến nay, nhiều thông điệp, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đã được các cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đưa ra…

Có thể thấy, Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh có nhiều động thái chính sách tích cực, sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của Chính phủ.

Tôi muốn nhắc tới Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đầu năm, các nghị quyết, chỉ thị mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ về chương trình 2 năm cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các chỉ tiêu cụ thể trong Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Song song với đó, hàng loạt bộ luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh đang được sửa đổi, thay mới, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Đầu tư và Quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp…

Có nghĩa là, những chính sách, giải pháp đã khá nhiều. Vấn đề là thực hiện thế nào cho hiệu quả và đảm bảo tiến độ được yêu cầu. Khi thu thập ý kiến doanh nghiệp cho Cuộc gặp, chúng tôi nhận được nhiều đề nghị muốn tham gia giám sát quá trình thực hiện này cũng như tham gia ý kiến vào từng điều khoản cụ thể trong các văn bản luật…

Cụ thể là gì, thưa ông?

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, VCCI thu thập ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.

Chúng tôi đang xây dựng một danh mục kiến nghị cụ thể, bám sát nội dung các văn bản luật, nghị định có liên quan đến đầu tư - kinh doanh đang được sửa đổi. Cùng với đó, VCCI đề xuất chương trình tái khởi động doanh nghiệp, trong đó có cơ chế doanh nghiệp tham gia giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể của Nghị quyết 19/NQ-CP của các bộ, ngành, như việc giảm số ngày thực hiện các thủ tục về thuế, hải quan, áp dụng công nghệ thông tin... Định kỳ 3 tháng một lần, bộ phận này sẽ có đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Rất có thể, từ các đánh giá đó của doanh nghiệp, VCCI sẽ tiến tới việc xây dựng chỉ số hành động, bình chọn các giải pháp chính sách tốt nhất của các bộ, ngành trong quá trình cải cách thể chế.

Doanh nghiệp mong muốn ghi nhận những điển hình tốt, nhưng cũng là vì sự phát triển của chính doanh nghiệp thông qua việc các bộ, ngành thực thi tốt, hiệu quả các giải pháp, biện pháp hỗ trợ đã được đưa ra…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư