Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
39% người Mỹ lo không thể thanh toán các hóa đơn sinh hoạt
Đông Phong - 23/07/2024 20:48
 
Lạm phát giảm, nhưng giá cả thì không. Nhiều người Mỹ lo họ sẽ không thể trang trải cuộc sống.

Đau đầu vì giá cả vẫn cao

Gần 4 trong số 10 người (39%) người trưởng thành ở Mỹ cho biết họ luôn hoặc hầu hết lo lắng rằng thu nhập của gia đình họ sẽ không đủ để trang trải các chi phí, theo kết quả thăm dò mới nhất của đài CNN. Tỷ lệ này đã tăng so với mức 28% vào tháng 12/2021 và cao hơn mức 37% được ghi nhận trong thời kỳ Đại suy thoái.

Để đối phó cơn đau đầu phí sinh hoạt, một bộ phận đáng kể người Mỹ cho biết họ đang làm thêm việc phụ, hạn chế sử dụng xe riêng và chi nhiều tiền hơn bằng thẻ tín dụng.

Người tiêu dùng mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở quận Brooklyn, tại Thành phố New York vào ngày 11/7/2024. Ảnh: AFP
Người tiêu dùng mua sắm tại một cửa hàng tạp hóa ở quận Brooklyn, tại Thành phố New York vào ngày 11/7/2024. Ảnh: AFP

Theo cuộc thăm dò của CNN, người Mỹ gốc Latinh (52%) và người da màu (46% hoặc thậm chí cao hơn) cho biết họ thường xuyên hoặc lúc nào cũng lo lắng về việc trang trải cuộc sống.

Hơn một nửa (55%) những người được hỏi có thu nhập dưới 50.000 USD/năm cũng lo ngại không đủ tiền để trang trải các chi phí.

Kết quả thăm dò của đài CNN cho thấy bức tranh thực đằng sau các chỉ số kinh tế chính thức. Mặc dù số liệu thống kê quốc gia cho thấy tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát ở Mỹ đang hạ nhiệt, nhưng hàng triệu người tiêu dùng ở nước này vẫn đang chịu tổn thương do giá cả tăng cao trong nhiều năm qua.

"Các mặt hàng tại cửa hàng tạp hóa đang quá đắt đỏ. Nhưng không chỉ có vậy. Mọi thứ đều tăng giá. Quần áo. Bảo hiểm của tôi", bà Angela Russell, một cư dân Ohio và là nhà phân tích chương trình tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết.

Russell, người có hai người con đã trưởng thành và ba đứa cháu, cho biết gần đây bà đã rời ngôi nhà thuê ở thành phố Cincinnati để chuyển đến một ngôi nhà ở vùng nông thôn, nơi chi phí thuê nhà rẻ hơn.

Hai phần ba người Mỹ (65%) trả lời đài CNN rằng các chi phí và sinh hoạt phí là vấn đề kinh tế lớn nhất mà gia đình họ đang đối mặt hiện nay. Tỷ lệ này thấp hơn mức 75% ghi nhận vào mùa hè năm 2022, nhưng cao hơn nhiều so với mức 43% vào mùa hè năm 2021.

Theo Moody's Analytics, một hộ gia đình ở Mỹ trung bình đang phải chi thêm 925 USD mỗi tháng để mua cùng loại hàng hóa và dịch vụ như 3 năm trước.

"Áp lực là có thật. Mọi thứ đều đắt hơn nhiều so với 4 năm trước. Những gì bạn phải trả là vô cùng lớn", bà Russell cho biết.

Nhìn vào số liệu, thì lạm phát Mỹ đã giảm mạnh từ đỉnh thiết lập giữa năm 2022. Theo Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả cải thiện đáng kể so với mức lạm phát đỉnh điểm 9% vào tháng 6/2022 khi giá xăng tăng vọt lên trên 5 USD/gallon.

Thế nhưng, nhiều người Mỹ không thực sự cảm nhận được lạm phát hạ nhiệt. Điều mà họ nhận thấy là giá cả đang tăng chậm và vẫn cao hơn so với năm ngoái.

"Chúng ta nói cả ngày về việc lạm phát đang giảm dần nhưng tác động tích lũy của lạm phát trong nhiều năm đã ảnh hưởng đến ví tiền của các hộ gia đình", ông Greg McBride, nhà phân tích tài chính trưởng tại Bankrate cho biết. "Nhìn từ độ cao 35.000 feet là tỷ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế đang tăng trưởng và mọi người đang chi tiêu. Nhưng trên thực tế là lạm phát được kiểm soát không có nghĩa là giá cả đang giảm, mà chỉ là giá cả không tăng nhanh như vậy", ông McBride phân tích.

Song song với lạm phát, người tiêu dùng Mỹ cũng đón nhận một số tin tốt khi tiền lương của họ trong ba năm qua cũng đã tăng lên. Gần đây, tiền lương tăng nhanh hơn giá cả, đảo ngược xu hướng đáng lo ngại kéo dài nhiều năm.

Moody's Analytics dẫn chứng rằng thu nhập hộ gia đình trung bình ở Mỹ đã tăng 1.110 USD so với 3 năm trước. Con số này cao hơn mức 925 USD mà người tiêu dùng Mỹ đang chi thêm cho cùng loại hàng hóa và dịch vụ.

Làm thêm và chi tiêu ít hơn

"Nhiều người đã nhận ra rằng sức mua của mình bị xói mòn. Ngay cả khi thu nhập theo kịp giá cả, bạn vẫn chỉ đang dậm chân tại chỗ", ông McBride cho biết.

Kết quả thăm dò của đài CNN cho thấy 35% người trưởng thành ở Mỹ được hỏi đã cho biết rằng họ phải làm thêm để kiếm sống. Người Mỹ gốc Latinh (52%), người Mỹ da đen (44%) và người dưới 45 tuổi (47%) cho biết họ đã làm thêm việc để có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Trong tình hình kinh tế hiện nay, hầu hết người Mỹ cho biết họ đã phải cắt giảm chi tiêu cho các dịch vụ bổ sung và giải trí (69%) và thay đổi thói quen mua hàng tạp hóa (68%).

Có 41% người được hỏi cho biết họ đã cắt giảm việc lái xe và 37% đang dùng thẻ tín dụng để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu.

Đơn cử như trường hợp của Russell, tiền lương của bà phụ thuộc vào ngân sách liên bang và không bao gồm tiền thưởng hoặc quyền chọn mua cổ phiếu như những người làm việc trong các ngành khác dựa vào. "Theo nghĩa đen, mọi thứ dường như đều vượt quá mức tôi kiếm được", nữ nhân viên CDC cảm thán.

Để xoay sở, Russell đã chuyển hướng chi tiêu của mình sang tập trung vào những thứ thiết yếu bằng cách bỏ qua hầu hết các dịch vụ phát trực tuyến, ít đi xem phim hơn và mua kẹo tại Walmart thay vì ở rạp chiếu phim.

"Tôi đã phải cắt giảm tất cả những điều thú vị mà tôi thích làm. Tôi từng đến hiệu sách hoặc mua tạp chí. Còn bây giờ, tôi chọn sách từ thư viện", bà Russell nói.

Cuộc thăm dò của đài CNN được nền tảng dịch vụ báo cáo máy chủ (SSRS) thực hiện từ ngày 3 - 24/6, trước khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố rút đường đua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 vào ngày 21/7. Cuộc thăm dò lấy mẫu ngẫu nhiên 2.021 người trưởng thành trả lời qua thư và 407 người trưởng thành được tiếp cận bằng cách quay số ngẫu nhiên đến số điện thoại di động trả trước. Kết quả cho toàn bộ mẫu có biên độ sai số lấy mẫu là cộng hoặc trừ 2,7 điểm phần trăm.

Công bố mới đây của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số CPI tháng 6 của nước này đã giảm 0,1% so với tháng trước đó và đây là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số CPI tháng 6 đã tăng 3%, nhờ giá xăng giảm nhiều hơn bù đắp chi phí nhà ở. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích là 3,1% và cũng là mức tăng theo năm thấp nhất kể từ năm 2021.

Chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) tháng 6 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
Hàng triệu người Mỹ có khả năng bị chậm lương và các khoản trợ cấp xã hội
Cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách ở quốc hội bị bế tắc xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư