Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
4 sự cố nghiêm trọng của máy bay Việt Nam 6 tháng qua
Anh Minh - 26/07/2014 07:41
 
() Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, các hãng hàng không trong nước đã để xảy ra 144 sự cố an toàn bay tăng 32 vụ, tương đương 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Trực thăng của Không quân Ấn Độ rơi, 7 quân nhân thiệt mạng
7 vụ rơi máy bay trong tháng 7 khiến thế giới sửng sốt
Xác máy bay Algeria tìm thấy ở sa mạc, trong khu vực phiến quân
Hai máy bay Việt suýt đâm nhau: Xử lý hàng loạt cán bộ
"Thót tim" máy bay Boeing 767-300 suýt đâm Airbus A340 trên đường băng
Tàu điện ngầm ở Seoul đâm nhau nghiêm trọng, khoảng 170 người bị thương.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số sự cố được báo cáo tăng so với cùng kỳ năm 2013 (tăng 28,5%); số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn mức E và D tăng hơn 33,3%; tuy nhiên số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao, nghiêm trọng mức C và B giảm 02 vụ, tương đương 20%.

  4 sự cố nghiêm trọng của máy bay Việt Nam 6 tháng qua  
  Sự cố uy hiếp an toàn bay Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 32 vụ so với năm ngoái  

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân sự cố chủ yếu vẫn do các hãng hàng không liên quan đến công tác bảo đảm kỹ thuật (66 vụ, chiếm tỷ trọng 46% tổng số vụ);

Yếu tố con người-nhân viên hàng không giảm mạnh (14 vụ, chiếm tỷ trọng 9,7%); nguyên nhân do hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh (14 sự cố so 4 sự cố cùng kỳ năm 2013).

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, thời tiết trong 6 tháng qua diễn biến phức tạp đã làm tăng cao sự cố với 117 chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu, trong đó có 106 chuyến phải bay chờ, tiếp cận hụt, đi sân bay dự bị và 11 chuyến bay lệch sang biên giới (chưa kể các chuyến bay hủy do thời tiết). Các sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất trong 6 tháng qua là Nội  Bài (21 chuyến), Tân Sơn Nhất (70 chuyến).

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã có 4 sự cố tàu bay nghiêm trọng xảy ra trong 6 tháng qua, cụ thể như sau:

1. Sự cố cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6/2014. Kiểm soát viên không lưu không quan sát đường cất hạ cánh, cấp huấn lệnh bay cho tàu bay  VN-A198 của Jetstar Pacific khi tàu bay VN-A356 của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường cất hạ cánh. Sự cố khiến hai máy bay Việt Nam suýt đâm nhau. Sau đó nhiều cá nhân đã bị xử lý kỷ luật.

2. Sự cố tàu bay VN-A692 thực hiện chuyến bay VJ 8575 chặng bay Hà Nội-Cam Ranh đúng theo lịch bay được phê duyệt, theo dự báo bay đã được Trung tâm điều hành bay quốc gia chấp thuận và hiệp đồng bay hàng không-quân sự, theo đúng kế hoạch bay không lưu đã được Cơ sở thủ tục bay Nội Bài chấp thuận và triển khai theo quy định nhưng vận chuyển nhầm toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá của chuyến bay VJ8861 với hành trình Hà Nội-Đà Lạt. Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều phái bay của Vietjet Air và cơ sở thủ tục bay thuộc Cảng HKQT Nội Bài không thực hiện đúng quy trình khai thác bay; Trung tâm điều hành khai thác bay của VietJet không thực hiện đúng quy định về triển khai kế hoạch khai thác.

3. Sự cố xảy ra ngày 06/05/2014 đối với chuyến bay VN780, tàu  bay A330 mang số đăng ký quốc tịch VN-A371 đã đình chỉ cất cánh ở tốc độ 110kts sau khi phát hiện cháy động cơ số 2. Vụ việc đang được cơ quan điều tra sự cố tai nạn tàu bay Úc (ATSB) tiến hành điều tra theo phụ ước 13 Công ước Chicago 1944.

4. Sự cố rơi tấm ốp bảo vệ quạt làm mát phanh do không siết ốc đủ lực xảy ra với tàu bay A321, mang dấu hiệu đăng ký quốc tịch tàu bay VN-A397, thực hiện chuyến bay Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh ngày 26/3/2014. Nguyên nhân gây ra sự cố do nhân viên kỹ thuật thực hiện bảo dưỡng không tuân thủ quy trình bảo dưỡng.

Trước tình trạng một số vụ tai nạn xảy ra trên thế giới có liên quan đến nguyên nhân do thời tiết, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay, hôm qua (25/7), Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 2690/CT-CHK về đảm bảo an toàn bay.

Theo đó, Cục yêu cầu các Hãng hàng không cần rà soát, chuẩn hóa các nội dung của Tài liệu khai thác bay (FOM) và thực hiện nghiêm túc quy trình ứng phó trong trường hợp có bão theo Quy trình;Thực hiện ngay quy định bắt buộc khi lậpKế hoạch bay phải xác định ít nhất 1 sân bay dự bị hạ cánh.

Trong điều kiện thời tiết phức tạp (bão, sương mù dầy đặc trên diện rộng…) phải chọn thêm sân bay dự bị thứ 2 nằm ngoài vùng ảnh hưởng của khu vực thời tiết phức tạp. Nghiêm cấm thực hiện phương thức tiếp cận hạ cánh, cất cánh trong điều kiện thời tiết (tầm nhìn, trần mây, tốc độ gió xuôi, gió ngang) dưới tiêu chuẩn cho phép đối với sân bay, máy bay và người lái đã được phê chuẩn; Chấp hành nghiêm quy định về việc không thực hiện quá 2 lần tiếp cận hạ cánh.

Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tổ lái phải thực hiện tham khảo ý kiến của cơ quan không lưu để đánh giá chính xác diễn biến thời tiết trước khi thực hiện tiếp cận lần 2. Trong trường hợp không đủ điều kiện đánh giá diễn biến thời tiết, tổ lái thực hiện phương thức chờ hoặc chuyển hướng về sân bay dự bị.

Các tổ lái khi bay trên đường bay, gặp điều kiện thời tiết phức tạp cần thông báo ngay cho cơ quan kiểm soát không lưu để kịp thời cảnh báo cho các máy bay đang hoạt động trong khu vực hoặc dự kiến sẽ hoạt động trong khu vực; Quán triệt nguyên tắc an toàn là ưu tiên cao nhất.

"Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp hạn chế chậm, hủy chuyến không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiệncác quy định về đảm bảo an toàn bay. Trong trường hợp các chuyến bay phải chậm hoặc hủy chuyến vì lý do an toàn cần phải kịp thời xin lỗi cũng như thông báo rõ nguyên nhân tới hành khách", Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh yêu cầu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư