Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
44 tác phẩm được trao giải vì sự nghiệp giáo dục
Hải Hà - 17/11/2019 10:20
 
44 tác phẩm báo chí viết về sự nghiệp giáo dục đã chính thức được lựa chọn trao giải hôm nay, 16/11. Đây là những tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ 71 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo trước đó trong tổng số gần 1.000 tác phẩm thuộc 4 thể loại báo chí.
.
Các tác phẩm đạt giải năm nay không chỉ phản ánh những tấm gương xúc động của các thầy cô giáo mà còn đi sâu phân tích những vấn đề nóng của ngành giáo dục.

Theo đó, giải đặc biệt được trao cho nhóm tác giả thực hiện tác phẩm "Chuyện về những người thầy thắp lửa", của Báo VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam.

4 giải A gồm: “Tự chủ đại học - Xu thế cần nhân rộng” (Báo Nhân Dân); “Hành trình 30 năm thay đổi số phận trẻ bụi đời của nhà giáo 74 tuổi” (Báo VietNamNet); “Chuyện về những người thầy thắp lửa” (Báo VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam); “Lớp học trên Nóc Ông Ruộng” (Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam).

Giải nhân vật ấn tượng năm 2019 đã được trao cho cô giáo Kim Thị Minh, nhân vật trong tác phẩm “Chuyện về những người thầy thắp lửa” (Đài Tiếng nói Việt Nam) và thầy Lưu Văn Hóa, nhân vật trong tác phẩm “Lớp học trên Nóc Ông Ruộng” (Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam).

Theo đánh giá của các giám khảo, giải năm nay ghi nhận sự tiến bộ vượt trội về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, sự phong phú, nét mới của đề tài các tác phẩm. Đồng thời, có sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí từ Trung ương đến các địa phương ở khắp các vùng, miền của cả nước.  

Nếu như năm 2018, các tác phẩm dự thi thường chỉ viết về cuộc sống và nghị lực vượt khó vươn lên của các giáo viên vùng khó khăn, về đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục phổ thông mới thì Giải năm nay các nhà báo dự thi đã đi sâu phân tích, mổ sẻ những vấn đề nóng của ngành như tự chủ đại học, đổi mới phương pháp dạy học, cơ chế tuyển dụng giáo viên….

Nhiều tác phẩm đã lột tả những câu chuyện đầy cảm xúc của các nhà giáo cắm bản, bám làng nơi rẻo cao mây mờ, những câu chuyện xúc động, nghẹn ngào của nữ nhà giáo đã nguyện hy sinh rất nhiều trong cuộc sống đời tư để cống hiến cho nghề trên điểm trường xa xôi; hay như nữ nhà giáo già mấy chục năm nay mở lớp dạy chữ không công cho nhóm trẻ bụi đời….

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, những thông tin về giáo dục được phản ánh đầy đủ, kịp thời trên báo chí đã giúp cho những chủ trương, chính sách, đổi mới về giáo dục đến với dư luận xã hội. Báo chí trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên; các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân bày tỏ ý kiến và tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách giáo dục. Báo chí cũng phát hiện, phản ánh và cổ vũ kịp thời những tấm gương giáo viên, học sinh nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập.

Được biết, đây là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những thành quả, mô hình đổi mới, sáng tạo trong dạy và học trên mọi miền tổ quốc, qua đó, phát hiện và tri ân các cá nhân, tập thể điển hình, tiêu biểu thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học, và những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. 

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nhạ: Bệnh thành tích ngành có trầm trọng không?
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ giải trình về vụ gian lận thi, về nạn bạo lực học đường, về đạo đức nhà giáo. Các đại biểu tranh luận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư