Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội
Hà Quang - 28/11/2014 09:57
 
() Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII khép lại vào chiều nay (28/11). Báo Đầu tư điện tử -  điểm lại những phát ngôn ấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kiểm tra phân bón bằng miệng thì kiểm tra thuốc sâu bằng gì?
Chuyện lời ăn tiếng nói chốn nghị trường
Việt Nam bao giờ “tốt nghiệp” ODA?
Đại biểu QH Đỗ Văn Đương: "Tôi không đính chính"
Quốc hội không nên biểu quyết “nửa kín, nửa hở”
  5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội - 1  
  Đại biểu Đỗ Văn Đương bức xúc vì tình trạng tham nhũng, láng phí. Ảnh: Hà Quang  

“Tham nhũng mấy năm nay ổn định lắm”!

Sáng ngày 21/10, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và các báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đại biểu Quốc hội TP.HCM) bức xúc vì tình hình tham nhũng, lãng phí nhiều năm nay không thuyên giảm.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, đi cùng với tham nhũng là lãng phí, nhiều công trình xây xong không có người sử dụng. Ký túc xá sinh viên, công nhân khu công nghiệp hàng trăm chỗ xây xong không có người ở. Rất nhiều bến cảng xây xong không sử dụng. Rồi chi hành chính rất lớn, chi thường xuyên rất lớn. Bao năm nay chúng ta nói giảm biên chế nhưng không giảm được. Đoàn đi nước ngoài quá nhiều, nói là giảm nhưng không giảm, vẫn cứ đi.

"Những cái này tiêu tốn vô độ khiến nợ công, nợ Chính phủ tăng lên, kinh tế kém phát triển. Chi thì lắm, thu thì giảm.... Tôi đề nghị báo cáo Chính phủ tập trung vào những nguyên nhân cụ thể, thiết thực và có những biện pháp quyết liệt đi vào những vấn đề như: vấn đề chống thất thu thuế, vấn đề chống lãng phí, chống tham nhũng. Tham nhũng mấy năm nay ổn định lắm vì số liệu tăng giảm không đáng kể", ông Đương nói.

Xem chi tiết phát biểu của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương tại đây.

“Dân sợ thông tư hơn sợ luật”

  5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội - 2  
  Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ĐBQH tỉnh Thái Bình  

Sáng 27/11, thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, luật ban hành văn bản pháp luật có nhiệm vụ tạo khung khổ, thiết lập cơ chế vận hành cho toàn bộ hoạt động lập pháp và lập quy. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn.

“Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật, nghị định. Luật thì ở trên trời, thông tư thì dưới đất”.

Xem chi tiết phát biểu của đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc tại đây

“Bất động sản không phải là cháo”

  Đại biểu Trần Du Lịch - 5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội - 3  
  Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh)  

Sáng 24/10, góp với với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Du Lịch (Đại biểu TP.HCM) cho rằng: quy định về xác lập quyền sở hữu nhà ở - điều 13 (Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở - PV) - là vấn đề sống còn.
Theo khoản 1, điều 13, 
"Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở được quy định như sau: Trường hợp mua bán nhà ở mà không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều này và trường hợp thuê mua nhà ở thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, thuê mua nhà ở..." Quy định như thế này là chúng ta quan điểm: tiền trao rồi, nhà nhận rồi là xong, một kiểu “tiền chao cháo múc”!

"Tôi xin thưa Quốc hội, bất động sản không phải là “cháo”, nó là tài sản cực kỳ đặc biệt. Từ thời kỳ cổ đại La Mã cho tới thời Napoléon, cho tới thời điểm này của đất nước ta, việc chiếm hữu bất động sản không được ghi nhận là sở hữu; mà quyền sở hữu chỉ được nhà nước xác lập về pháp lý khi anh đăng ký với nhà nước và nộp phí mang tính bắt buộc, ta gọi là phí trước bạ”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Xem chi tiết góp ý của đại biểu Trần Du Lịch tại đây.

“Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không tự chặt chân mình”

  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - phát ngôn ấn tượng  
  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.  

Sáng 2/11, Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, cử tri về những vướng mắc trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đi sâu phân tích những yếu kém của đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn: “Nếu đổi mới doanh nghiệp Nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thì hôm nay họ không tự chặt chân mình đâu”.

Theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư: Không đổi mới cán bộ sẽ không đổi mới được nền kinh tế. Các  chuyên gia quốc tế đã chỉ ra rằng, nếu đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà vẫn để nguyên những cán bộ đã từng sinh ra những doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó là không thể. Phải có người khác đến đổi mới. Đặc biệt, đổi mới cán bộ là một yếu tố phải có tác động, tác động triệt để, kiên trì và quyết liệt mới làm được.

Xem chi tiết phát biểu của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại đây.

“Muốn tinh giản biên chế cũng không thực hiện được vì động đến con anh A, cháu chị B”

  Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá5 phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội - 4  
  Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh)  

Sáng 1/11, góp ý với Đề án Tái cơ cấu kinh tế tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh) cho rằng: “Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước muốn tinh giảm biên chế cũng không thực hiện được vì động đến con anh A, cháu chị B. Doanh nghiệp nhà nước phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm vào bộ chủ quản. Đã đến lúc cần mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích. Cần làm rõ những gì nhà nước không cần chi phối, nắm giữ, doanh nghiệp phải là cốt lõi, doanh nghiệp nhà nước phải là cốt lõi, chỉ huy, nắm đầu ra để đảm bảo cung cấp sản phẩm đáp ứng thị trường, không nên đầu tư từ đầu đến chân. Cái gì xã hội làm được trong dây truyền sản xuất, công việc gì các thành phần kinh tế khác làm được thì nhà nước không làm”.

Xem chi tiết phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá tại đây.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư