Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD
Hồng Hạnh - 30/05/2021 11:07
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu (NK) ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51,0%; xuất siêu khoảng 3,27 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với tháng 5/2020, tăng 1,3% so với tháng 04/2021; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD,…

Tính chung 5 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với 5 tháng/2020 . Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.

Giá trị XK và tỷ trọng của từng nhóm hàng
Giá trị XK và tỷ trọng của từng nhóm hàng

5 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm/ nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm; quế,…

Trong đó, cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể: Cao su (+58,7% khối lượng, +93,9% giá trị), chè (+6,5% và +10,4%), hạt điều (+18,3%, +4,9%), sắn và sản phẩm từ sắn (+15,6%, +27,5%). Riêng hồ tiêu dù khối lượng XK giảm (đạt 124 nghìn tấn, giảm 15,6%) nhưng nhờ giá XK bình quân tăng nên giá trị XK vẫn tăng (đạt 387 triệu USD, tăng 25,2%).

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Sản phẩm chăn nuôi (+43,9%), cá tra (+7,8%), tôm (+4,9%); sản phẩm gỗ (+74,8%), mây, tre, cói thảm (+76,8%); quế (+52,1%).

2 mặt hàng giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, gồm: Cà phê (-11,4% khối lượng, -5,0% giá trị), gạo (-11,3% và -0,7%).

Về thị trường xuất khẩu: Ước giá trị XK nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 46,5% thị phần), châu Mỹ (27,0%), châu Âu (10,1%), châu Đại Dương (1,3%) và châu Phi (1,7%).

Trong đó, 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn quốc chiếm thị phần lần lượt là 24,6% (giá trị tăng 63,6% so với CKNT), 22,6% (+36,2%), 6,6% (+9,6%) và 4,9% (+17,5%).

Cán cân thương mại những nhóm hàng chính
Cán cân thương mại những nhóm hàng chính

5 tháng đầu năm, kim ngạch NK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%.

Trong tháng 5/2021, giá lúa, gạo tại các tỉnh ĐBSCL có xu thế tăng, giảm không đồng nhất giữa các địa phương. Tại Cần Thơ và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận giá trái cây giảm mạnh do sức tiêu thụ nước giảm.

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng nhẹ do nhập khẩu cá tra tại một số thị trường lớn như Trung Quốc và các thị trường khu vực Nam Mỹ có xu hướng tăng, nhu cầu cho hàng phile size lớn, trong khi tồn kho nhà máy và nguồn cung cá nguyên liệu size này hiện đều ở mức không cao.

Thị trường tôm nguyên liệu ĐBSCL trong tháng có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Giá lợn hơi biến động giảm do nguồn cung trong nước được đảm bảo, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp.

Để có được kết quả trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương chuẩn bị vào vụ thu hoạch nông sản (vải, nhãn, thanh long, xoài, mít...), bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid- 19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kịp thời phối hợp với Bộ Công thương và địa phương triển khai kế hoạch tiêu thụ tại Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên,..

Đồng thời, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee,… chủ động tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều.

Đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU,... tháo gỡ khó khăn, phòng vệ thương mại tại thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, Trung Quốc).

Xuất khẩu nông sản bứt tốc ngay từ đầu năm
Ngành nông nghiệp đang rốt ráo thúc đẩy xuất khẩu và bứt tốc ngay từ những ngày đầu năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư