Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
54 quốc gia ký kết Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA)
Thế Hải - 10/07/2019 14:52
 
Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) là một khu vực thương mại tự do bao gồm 54 trong số 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi, được ký kết tại Kigali, Rwanda vào ngày 21/3/2018.

Thương vụ VIệt Nam tại Nigeria cho biết, ngày 7/7/2019, tại thủ đô Niamey, Cộng hòa Niger, 2 quốc gia Nigeria và Benin là quốc gia thứ 53 và 54 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi, đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (gọi tắt là AfCFTA).

Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) là một khu vực thương mại tự do bao gồm 54 trong số 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi, được ký kết tại Kigali, Rwanda vào ngày 21/3/2018, ngoại trừ quốc gia Eritrea.

Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới về các quốc gia tham gia, kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiệp định này (AfCFTA) nhằm mục đích gắn kết 1,3 tỷ người, tạo ra một khối kinh tế 3,4 nghìn tỷ USD, có thể mở ra một kỷ nguyên phát triển mới tại khu vực châu Phi.

Thỏa thuận ban đầu yêu cầu các thành viên gỡ bỏ thuế quan từ 90% hàng hóa, cho phép xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tự do vào các quốc gia thành viên lục địa châu Phi. Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc về châu Phi ước tính rằng Hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại nội bộ châu Phi tăng 52% vào năm 2022.

Nigeria là nền kinh tế lớn nhất lục địa châu Phi với số dân trên 200 triệu người, xếp thứ 7 trên thế giới. Do đó quyết định của Nigeria có tác động thúc đẩy cho hiệp ước này phát triển.

Trước đó Nigeria từ chối ký AfCFTA, do có một số tác động tiêu cực, cho rằng việc ký kết AfCFTA, sẽ ra tăng tình trạng buôn lậu, có thể biến Nigeria thành nơi tiêu thụ hàng hóa được sản xuất bên ngoài châu Phi.

Tuy nhiên khi ký AfCFTA tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi ở Niger, Tổng thống Nigeria, Muhammadu Buhari kêu gọi các quốc gia có liên quan, cùng nhau thu hút đầu tư, phát triển sản và chống buôn lậu.
 
Về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Phi, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 2,92 tỷ USD qua các nước châu Phi, chiếm tỷ lệ 1,20% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với Thế giới.

Việt Nam nhập khẩu 3,43 tỷ USD từ các nước châu Phi, chiếm tỷ lệ 1,40% so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, trong đó Việt Nam nhập khẩu chủ yếu 3 mặt hàng chính từ các nước châu phi là hạt điều, gỗ và bông vải, với kim ngạch 1,80 tỷ USD, chiếm thị phần 52,56% trên tổng kim ngạch nhập khẩu từ các nước châu Phi.

Được biết, những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang khu vực này gồm: hàng công nghiệp (điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, hàng dệt may, giày dép), hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, hạt điều nhân), hàng thủy sản (cá tra, ba sa, tôm), hàng vật liệu xây dựng... Hàng Việt Nam đã từng bước thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản và vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, có 7 thị trường nước ta đang xuất khẩu kim ngạch trên 100 triệu USD là: Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà, Togo, Nigeria. Trong đó, Nam Phi luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Phi với hơn 724,3 triệu USD năm 2018, giảm nhẹ 3,6% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, Ai Cập tiếp tục là thị trường lớn thứ hai với kim ngạch xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 36,6% so với năm 2017. Ghana đứng thứ ba của với kim ngạch 278,3 triệu USD, tăng 3,7% so với năm 2017.

Thương vụ VIệt Nam tại Nigeria cho rằng, sau khi Việt Nam ký kết thành công 2 Hiệp định lớn là “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và mới đây là “Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu – EVFTA”, Việt Nam cần có định hướng trong tương lai, tiến hành nghiên cứu và đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do với lục địa châu Phi này, để tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Ký kết EVFTA và EVIPA: Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn
Việt Nam đang trở thành vùng đất lành cho các tập đoàn lớn đến đầu tư, đặc biệt là sau sự kiện chính thức ký kết Hiệp định Thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư